pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thầm lặng "canh giấc ngủ" cho liệt sĩ ở Nghĩa trang A1
Chị Phạm Thu Hồng (ở tỉnh Ninh Bình) mỗi năm đều đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1. Người em trai của ông nội chị Hồng là liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ nhưng hiện gia đình chưa tìm được hài cốt của ông
Cặm cụi cắt cỏ, tỉa cây bên các mộ phần liệt sĩ, anh Lường Văn Thương, nhân viên quản trang Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1, cho biết, anh bắt đầu làm việc tại nghĩa trang từ năm 2019. Hiện tại, có 6 người cùng làm công việc như anh, họ thay phiên nhau đi làm. Các nhân viên quản trang ở đây luôn tâm niệm, 645 liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang giống như người thân của mình.
Từng phần mộ, từng cái tên được khắc trên bia mộ đều được anh Thương và các đồng nghiệp ghi nhớ, chăm sóc bằng tất cả sự biết ơn. Anh Thương tâm sự, công việc mà anh đang làm mỗi ngày là một hành động nhằm tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh xương máu vì nền độc lập của dân tộc.
Hơn 20 năm làm việc ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1, bà Nguyễn Thị Nhung càng cảm nhận rõ hơn nỗi đau do chiến tranh để lại. Tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1, trong số hơn 600 ngôi mộ thì có 53 ngôi mộ là có tên liệt sĩ, còn lại là mộ vô danh.
Nhiều năm làm quản trang, bà đã chứng kiến nhiều gia đình tới đây để tìm thông tin về nơi an nghỉ của người thân. Có không ít gia đình giữ liên lạc với bà nhiều năm, bà Nhung cũng hỗ trợ, cung cấp thông tin cho họ.
70 năm sau ngày Chiến thắng, hài cốt nhiều liệt sĩ đã được quy tập, an táng và chăm lo hương khói tại các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Điện Biên nhưng còn nhiều phần mộ chưa xác định được danh tính.
Đây là nỗi trăn trở, day dứt không chỉ của bà Nhung mà còn của những người làm quản trang tại các nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Điện Biên cũng như chính quyền địa phương.
Điều khiến những người thầm lặng "canh giấc ngủ" cho các liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 thấy ấm lòng là trong những dòng người tới Nghĩa trang tri ân các anh hùng liệt sĩ, ngày càng có nhiều người trẻ.
"Đó cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục công việc của mình, góp phần lan toả các hoạt động "uống nước nhớ nguồn" nhằm tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc", anh Lường Văn Thương chia sẻ.
Tỉnh Điện Biên hiện có 8 nghĩa trang liệt sĩ, với tổng số hơn 6,6 nghìn phần mộ an táng các liệt sĩ đã hy sinh trong các thời kỳ kháng chiến. Trong đó, gần 5,3 nghìn phần mộ hiện chưa xác định được thông tin.
Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên, tổng số liệt sĩ hy sinh, chôn cất ban đầu trên địa bàn là hơn 17.400 liệt sĩ nhưng số liệt sĩ chưa tìm kiếm, quy tập được vẫn còn rất lớn.