pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thành công từ niềm đam mê với đan móc thủ công
Chị Trần Thị Đông Phương - Chủ thương hiệu Lana Handicraft
Từ đam mê với thủ công
Trần Thị Đông Phương sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Nẵng, tốt nghiệp Trường cao đẳng nghề du lịch và Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng năm 2012. Thế nhưng niềm đam mê với thủ công lại ăn sâu vào máu chị từ khi còn bé, cho nên dù có trong tay hai tấm bằng, chị vẫn quyết định để lại sau lưng tất cả, chỉ theo đuổi đam mê.
Chị kể, từ lúc nhỏ mẹ dạy chị cách cầm kim móc, lúc ấy gia đình còn khó khăn không có tiền mua len mẹ chị lại lấy những chiếc mũ, chiếc áo cũ tháo sợi cho chị tập móc rồi dần dần quen tay chị đã tự móc được những món đồ nhỏ xinh để làm quà tặng bạn bè mỗi dịp sinh nhật. Rồi thời gian dần trôi qua cũng như bao bạn bè cùng trang lứa chị lớn lên học tập và làm việc, tạm quên đi đam mê của mình. Cho đến khi chị kết hôn và sinh con đầu lòng vào năm 2014, chị xin nghỉ công việc văn phòng, ở nhà chăm con và tranh thủ móc len khi con ngủ.
Và cũng từ đó chị biết được rằng việc đan móc len ngày nay không còn là hình ảnh những chiếc áo len với người phụ nữ lớn tuổi ngồi cặm cụi từng đường kim mũi móc nữa, sản phẩm đan móc bây giờ cũng trở nên đa dạng và thông dụng hơn như túi xách, balo, mũ nón, bikini, thú len… Bên cạnh đó, bùng nổ thời đại công nghệ số và mạng xã hội đã đưa việc bán hàng online trở nên phổ biến. Khi đó Phương bắt đầu ước ao có một cửa hàng cho riêng mình dù chỉ là bán online.
Năm 2018, chị được mời tham gia gian hàng Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp do hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Đà Nẵng tổ chức. Những sản phẩm chị mang tới trưng bày đã đem lại sự mới lạ cho khách tham quan. Ban tổ chức cũng động viên chị hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh sản phẩm đan móc vì ngành du lịch thành phố đang rất cần những sản phẩm du lịch như vậy. Chị như cảm thấy như được tiếp thêm nguồn động lực.
Không chỉ có vậy, chị còn có mong muốn to lớn hơn đó là biến đan móc thành nghề chính thức. "Tôi rất muốn chia sẻ, hướng dẫn đan móc len cho nhiều người hơn, có thể tìm đầu ra cho sản phẩm và giúp họ kiếm thêm thu nhập từ công việc đan móc này. Hơn nữa với những sản phẩm chúng tôi tạo ra đều là những nguyên liệu thân thiện môi trường, an toàn không độc hại, có thể tái sử dụng nhiều lần.
Dạo quanh facebook thì đã có đến hàng trăm hội nhóm đan móc với hàng ngàn hội viên từ khắp các miền Tổ quốc, tôi bắt đầu giao lưu, kết bạn và học hỏi thêm được nhiều kỹ thuật đan móc, tìm tòi đọc thêm sách và xem video trên youtube, liên tục tạo ra sản phẩm mới để nâng cao tay nghề", chị Phương cho biết.
Làm ra những sản phẩm chuyên biệt
Để làm công việc này ngoài sự khéo tay, sự kiên trì và sáng tạo thì quan trọng là phải có đam mê thực sự với nghề. Vì sản phẩm đan móc ngày nay đã được đưa vào nhiều thương hiệu lớn như Nón Sơn và được xuất khẩu ra nước ngoài rất nhiều cho nên người thợ trong nước cần sáng tạo nhiều hơn nữa mang nét độc đáo riêng thì mới có thể trụ vững trong thị trường handmade. Thị trường len sợi hiện nay cũng không còn như xưa mà rất đa dạng các loại sợi để phù hợp với từng sản phẩm như túi, mũ, áo, quần,… không chỉ tiện dụng mà còn phải thời trang, phù hợp lứa tuổi.
Nhận định như vậy, chị đã bắt tay vào thành lập thương hiệu Lana Handicraft (năm 2018). Với số vốn ban đầu 20 triệu đồng, chị đã nhập nguyên liệu và làm tại nhà là chủ yếu. Năm 2019 do nhu cầu khách hàng muốn đến xem trực tiếp sản phẩm và nhiều người cùng đam mê muốn được học nghề nên chị quyết định mở shop nhỏ tại 21 Tiên Sơn 4 (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng). Tuy diện tích nhỏ nhưng không gian ấm cúng yên tĩnh để làm việc và đào tạo học viên.
Mặc dù thương hiệu mới thành lập được 2 năm, nhưng kể từ khi khởi nghiệp, chị Phương đã sống với nghề được 5 năm. Từ bàn tay cùng sự sáng tạo, chị đã tạo ra hàng ngàn sản phẩm cho khác hàng trong và ngoài nước. Chị được các cửa hàng bán đồ lưu niệm trong thành phố mời hợp tác, tạo ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách du lịch đến Đà Nẵng. "Tôi muốn tất cả sản phẩm của tôi đều được thực hiện thủ công và hạn chế ít phụ kiện kim loại nhất", chị cho biết.
Bên cạnh những sản phẩm đan móc nghệ thuật, chị còn có đam mê với thắt dây nghệ thuật (macrame). Đây là một bộ môn nghệ thuật được ứng dụng rất nhiều vào trang trí nhà cửa, quán cà phê hoặc studio, trang trí lễ tiệc theo phong cách phương Tây, hiện đang là xu hướng của giới trẻ. Các sản phẩm được làm từ sợi cotton nhiều kích cỡ, đa dạng màu sắc mẫu mã, có thể trang trí ứng dụng trên các sản phẩm khác như gốm sứ, giỏ bèo, mây, cói lát…
Mặc dù mang lại giá trị cả về tinh thần và vật chất cho bản thân, gia đình, và giúp cho ngành kinh tế du lịch chung của thành phố, nhưng chị vẫn khiêm tốn cho rằng, điều mà chị hạnh phúc nhất chính là những sản phẩm của chị đã tạo được dấu ấn đặc biệt trong lòng du khách. Khi nhắc đến hàng thủ công, hàng lưu niệm và mọi người lại tìm đến Lana Handicraft.
"Cái bạn mua được không chỉ là một sản phẩm mà còn là tâm huyết của người tạo ra nó - là thông điệp tôi muốn gửi đến khách hàng", chị Phương chia sẻ thêm.
Trong thời gian Đà Nẵng trở thành điểm nóng của dịch Covid-19, chị đã kêu gọi chị em hội đan móc cùng nhau móc tai giả hỗ trợ đeo khẩu trang gửi cho tuyến đầu chống dịch bao gồm y bác sĩ, bệnh nhân, trạm y tế, tình nguyện viên, lực lượng công an và bộ đội với tổng số hơn 10.000 chiếc.
Địa chỉ: Lana Handicraft - số 21 Tiên Sơn 4, Phường Hòa Cường Nam, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng.
Số điện thoại: 0905998810.
Email: dongkhoithuy@gmail.com