Thanh Hóa: Hoàn lưu bão số 4 gây nhiều thiệt hại, 1 người chết

17/08/2018 - 20:23
Đến chiều 17/8, sau khi đổ bộ vào Thanh Hóa, hoàn lưu của bão số 4 đã gây ra nhiều thiệt hại trên địa bàn tỉnh này.

Đã có 1 người chết, 600 hộ dân huyện miền núi Lang Chánh tạm thời bị cô lập; nhiều điểm sạt lở trên các tuyến đường quốc lộ khiến giao thông bị chia cắt; nhiều hồ bị tràn và hàng trăm nhà dân bị ngập sâu, buộc phải đi sơ tán. 

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Lang Chánh, đến chiều 17/8, trên địa bàn huyện có gần 600 hộ dân của xã Tân Phúc đang tạm thời bị cô lập do nước lũ.

Nguyên nhân là do từ 7 giờ ngày 17/8, nước ở đập tràn qua suối làng Mòng, xã Tân Phúc lên cao. Đến trưa 17/8, nước đã ngập hơn 1 mét, khiến tuyến đường Tam Văn-Lâm Phú bị chia cắt; 4 thôn của xã Tân Phúc với gần 600 hộ tạm thời bị cô lập, không thể đi ra khu vực trung tâm xã và thị trấn Lang Chánh.

ttxvn_bao_so_4.jpg
Nhiều hộ dân tại thôn Thành Long, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa, bị ngập buộc phải đi sơ tán. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

 

Do ảnh hưởng của bão số 4, từ đêm 16/8 đến sáng 17/8, trên địa bàn huyện Lang Chánh liên tục có mưa vừa, mưa to và rất to. Nước ở sông Âm, sông Sạo, suối Hón, suối Mòng, suối Bôn… dâng cao, khiến một số tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập nước và đập tràn chảy xiết, rất nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. 

Tại những điểm nguy hiểm trên, Ủy ban Nhân dân huyện Lang Chánh đã chỉ đạo chính quyền các xã lập chốt chặn, bố trí lực lượng canh gác, không cho người và phương tiện qua lại cho đến khi nước rút để đảm bảo an toàn. 

Đáng lo ngại là hiện trên địa bàn huyện Lang Chánh có 663 hộ, với 2.367 khẩu và 2 trường học nằm trong vùng nguy hiểm có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. 

Trong chuyến thị sát tình hình mưa lũ sau bão số 4 vào sáng 17/8, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện Lang Chánh và các xã tiếp tục chủ động, tích cực phòng ngừa thiên tai lũ lụt; đặc biệt, lưu ý đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, kiên quyết đưa người dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. 

Về lâu dài, huyện cần bố trí tái định cư đảm bảo an toàn cho các hộ dân; đồng thời tích cực hỗ trợ nhân dân bảo vệ tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. 

Tại huyện Cẩm Thủy, tính đến 12 giờ ngày 17/8, lượng mưa đạt khoảng 66m; nước trên sông Mã đã đạt gần báo động 2 và đang tiếp tục lên nhanh do xả lũ của Nhà máy thủy điện Bá Thước 2 với lưu lượng khoảng 4.700m3/giây. Tuyến đường liên xã Cẩm Phú đi Cẩm Long bị sạt taluy âm; đoạn đường Cẩm Giang đi Cẩm Lương bị sạt taluy âm 2 điểm. Số hộ phải di dời đến nơi an toàn là 40 hộ với 200 khẩu tập trung ở các xã Cẩm Lương, Cẩm Thành, Cẩm Phong. 

Hiện ở huyện Cẩm Thủy có các điểm có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét như thôn Mùn, thôn Lụa (xã Cẩm Sơn); thôn Thung (xã Cẩm Thạch); thôn Lau (xã Cẩm Tâm); thôn Thành Long 2 (xã Cẩm Thành)... 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm