Thanh Hóa: Xây dựng mô hình phát triển kinh tế gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm

21/10/2019 - 09:13
Để triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Phụ nữ Thanh Hóa thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, Hội LHPN huyện Yên Định đã chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gắn với tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Xuất phát từ tình hình thực tế về lợi thế, tiềm năng của từng xã, Hội LHPN huyện Yên Định đã thành lập các mô hình kinh tế tập thể như: “Hợp tác xã sản xuất lúa lai F1 xã Định Tiến”, “Tổ hợp tác sản xuất rau hữu cơ tại xã Định Bình”, “Tổ hợp tác sản xuất khoai tây xã Định Long”; vận động chị em đăng ký xây dựng các mô hình phát triển kinh tế (chăn nuôi, trồng rau an toàn, sản xuất - chế biến kinh doanh…) gắn với các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầu hết các mô hình đã và đang phát huy hiệu quả sản xuất ra sản phẩm thân thiện với môi trường, đảm bảo VSSTTP, có giá trị kinh tế cao hơn, giúp cho hội viên, phụ nữ có thu nhập ổn định, có điều kiện cải thiện đời sống gia đình, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên quê hương.
 
Thành viên tổ hợp tác sản xuất rau hữu cơ tại xã Định Bình” đang chăm sóc rau
Cách đây 2 năm chị Lê Thị Thu ở xã Yên Thọ, huyện Yên Định (Thanh Hóa) đã mạnh dạn đưa giống ổi Lê của Đài Loan về trồng trên đất lúa, mở ra hướng phát triển mới cho người dân vùng đất này. Năm  2015,  chị mua cây giống ổi nhập từ Viện Đại học Nông nghiệp Hà Nội về trồng. Khi mới bắt tay vào việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ổi gia đình chị gặp muôn vàn khó khăn do chưa nắm chắc được kỹ thuật và cách chăm sóc khoa học. Song với ý chí quyết tâm, tìm tòi học hỏi, chị đã đi các nơi học hỏi cách thâm canh trồng ổi, tìm hiểu trên sách báo, intenet chị cùng gia đình quyết tâm trồng thử nghiệm 1000 cây áp dụng theo phương pháp khoa học kĩ thuật, sau 8 tháng ổi cho thu hoạch. Quả có hình trái lê, vỏ quả láng, thịt quả màu trắng, giòn và vị ngọt mát, ít hạt, mùi thơm và giàu dinh dưỡng. Thấy năng suất, chất lượng, mẫu mã đẹp, giá thành cao, dễ tiêu thụ, từ đó gia đình chị mở rộng mô hình trồng thêm 500 cây nữa.
 
Ổi lê Đài Loan có thể ra quả quanh năm trên các mầm cây bật từ nách lá, cây càng nhiều mầm nách càng nhiều quả. Tính đến nay, qua vụ bói quả lần đầu, trang trại ổi của gia đình chị đã cho trên 12 tấn/1 ha/năm, mỗi cây 1 năm cho từ 30 đến 35 kg quả, mỗi quả trọng lượng từ 300-700g giá bán trên thị trường hiện nay từ 15-30 nghìn đồng/kg. Trang trại ổi lê Đài Loan của gia đình chị với diện tích 1 ha, nằm dưới chân núi Rùa (thuộc địa phận xã Yên Thọ, huyện Yên Định) nên mọi người hay gọi với cái tên gần gũi thân thiện là ổi Lê sạch Núi Rùa. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây ổi mang lại, một số hộ dân trong xã đã đến học hỏi kinh nghiệm của gia đình chị.
 
Mô hình phân loại xử lý rác thải tại nguồn xã Yên Trung.
Cùng với việc mở rộng diện tích trồng ổi, gia đình chị đã quy hoạch thành trang trại với mô hình vườn – ao - chuồng để tận dụng nguồn thức ăn khép kín, như cỏ cho cá, cho ngỗng ăn; phân của gia cầm được ủ khép kín và tưới qua hệ thống tưới chủ động khép kín nên không gây mùi từ đó giảm thiểu các tác động đến môi trường sống. Hiện nay trang trại của gia đình chị đã tạo công ăn việc làm cho 6 - 8 công nhân có làm việc thường xuyên với mức lương từ 3,5 – 4 triệu đồng/người/tháng. Ổi của gia đình chị đã được bày bán ở một số cửa hàng thực phẩm sạch trong huyện và trong tỉnh, gia đình chị cũng đã mở riêng một cửa hàng chuyên cung cấp thực phẩm sạch cho bà con trong huyện. Cây ổi Lê đã thực sự bén rễ và bước đầu khẳng định được tiềm năng trên vùng đất mới.
 
Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao hiệu quả kinh tế của HV phụ nữ xã Yên Trường
Ngoài việc hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, các cấp hội còn đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về công tác đảm bảo VSATTP qua các hội thảo, hội thi, lớp tập huấn, sinh hoạt chi hội, truyền thông trên hệ thống truyền thanh của xã, huyện; thành lập, nhân rộng mô hình “chi hội phụ nữ tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm”; phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn; xây dựng và quảng bá thương hiệu các sản phẩm sạch, các đặc sản của địa phương (Đậu phụ, Ổi lê sạch núi rùa, tương…) đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tại “Ngày phụ nữ sáng tạo” được Hội LHPN tỉnh tổ chức định kỳ hàng năm.
 
Hiện nay, toàn huyện phát động phong trào “Phụ nữ Yên Định nói không với thực phẩm bẩn” thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia. Những hoạt động thiết thực của các cấp Hội nữ huyện Yên Định về VSATTP ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong thực hiện cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần giữ vững danh hiệu huyện Nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm