Thành lập Nhóm bác sĩ "Giúp nhau mùa dịch" sẵn sàng tư vấn online và đến tận nhà khám, chữa bệnh cho người dân

Vũ Vũ
04/08/2021 - 06:08
Thành lập Nhóm bác sĩ "Giúp nhau mùa dịch" sẵn sàng tư vấn online và đến tận nhà khám, chữa bệnh cho người dân

Bác sĩ đến tận nhà thăm khám cho người dân - Ảnh: Nhóm "Giúp nhau mùa dịch"

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn tại tâm dịch - TP HCM, một số bác sĩ đã tập trung lại thành lập Nhóm "Giúp nhau mùa dịch" để khám bệnh từ xa hoặc đến tận nhà người dân. Từ việc làm ý nghĩa ban đầu, nhiều bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng từ nhiều tỉnh/thành phố trong cả nước đã tự nguyện tham gia. Đến nay, Nhóm đã bổ sung lực lượng lên đến 170 người.

Một bệnh nhân 70 tuổi, sống tại TPHCM, đang trong vùng phong tỏa cần sự trợ giúp. Hai người con của bà đã gọi điện cho bác sĩ Phan Xuân Trung, Trung tâm Y khoa MEDIC TPHCM, nhờ tìm bình oxy. Bác sĩ Trung lên đường mang theo máy nén oxy, máy đo oxy máu, mặt nạ túi khí, ống nghe và những dụng cụ y tế cần thiết. Đến nơi, bác sĩ Trung trình thẻ bác sĩ mới được cho qua hẻm. Sau khi bác sĩ Trung thực hiện cấp cứu cho bệnh nhân xong, người nhà kết nối để đưa bệnh nhân đi điều trị tại bệnh viện.

Chị Lê Trang, một phụ nữ sống tại TPHCM, có chồng đang cách ly tỏ ra khá lo lắng khi nhà chỉ còn 3 mẹ con mà khu vực gia đình sinh sống cũng đang bị phong tỏa. Chị cho biết, xóm của chị đã có 11 ca dương tính. Nhà hàng xóm có 5 ca dương tính với Covid-19. Chị Trang chia sẻ trong nhóm "Giúp nhau mùa dịch" như sau: "Chiều nay, con nhỏ của em 3 tuổi ruỗi hơi ấm đầu. Em bắt đầu lo lắng và đo nhiệt độ của bé thường xuyên. Nhiệt độ trong khoảng 37,7 - 37,9 độ. Em cho bé uống hạ sốt thì thấy người bé ổn định. Giờ em làm sao để phân biệt được là sốt thông thường hay do nhiễm Covid-19?". Những nỗi lo của chị Trang vơi đi phần nào khi nhận được lời tư vấn của các y, bác sĩ.

Được biết, ngay sau khi TPHCM thực hiện giãn cách, ngày 12/7, bác sĩ Phan Xuân Trung đã kêu gọi các đồng nghiệp "vì danh dự và trách nhiệm của thầy thuốc, hãy sẵn sàng đến nhà giúp bệnh nhân... Lời kêu gọi khẩn thiết đến quý thầy thuốc. Hãy giúp dân bằng cả trái tim!". Nhóm "Giúp nhau mùa dịch" được lập ra nhằm tư vấn sức khỏe online cho người dân hoặc khi cần thiết, các y, bác sĩ có thể đến thăm khám tại nhà cho người dân.

Khi tham gia nhóm, các y, bác sĩ sẽ để lại số điện thoại, Facebook, Zalo cá nhân, chuyên ngành của mình, khu vực mình ở... để người bệnh cần có thể gọi ngay lập tức. Phương thức khám bệnh online có thể là những lời tư vấn giúp bệnh nhân tự xử lý tại nhà hoặc bác sĩ đến thăm khám tại nhà người bệnh. Điều dưỡng có thể sẵn sàng lên đường khi có người dân cấp bách cần truyền dịch, thay băng, cắt chỉ, chăm sóc vết thương...

Đến nay, nhóm đã có sự tham gia của gần 170 bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng... với đủ chuyên ngành tiêu hóa, nhi, tai mũi họng, răng hàm mặt, tiết niệu, hồi sức cấp cứu, sản phụ khoa, vật lí trị liệu, y học cổ truyền, da liễu... Không chỉ ở TPHCM, các y, bác sĩ ở các tỉnh, thành khác như Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cà Mau... đều tham gia nhóm.

Trong nhóm còn có cả những bác sĩ đang công tác ở nước ngoài như bác sĩ Trần Đức Tuấn Vũ, bác sĩ cấp cứu lưu động và điều phối của Tổng đài cấp cứu số 15 SAMU 93 Pháp. Bác sĩ Vũ chia sẻ: "Tôi là bác sĩ tuyến đầu trong dịch Covid-19. Tôi từng bị nhiễm Covid-19 trong thời gian đầu của dịch, sau đó tôi thường xuyên khám và chữa cho các bệnh nhân Covid-19 tại nhà từ hơn 1 năm nay.

Thầy thuốc ưu tú, TS.BS. Dương Văn Trung, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Bưu điện Hà Nội, tham gia nhóm và chia sẻ: "Có nhiều bệnh nhân hỏi tôi rằng, bác sĩ bận mổ suốt ngày, rồi công việc của khoa nữa thì lấy thời gian đâu mà tư vấn? Đúng là tôi rất bận nhưng khi mổ xong, tháo tay găng ra là tôi ôm ngay điện thoại để xem các câu hỏi của từng bệnh nhân, hầu như tôi có thói quen vừa đi vừa nhắn tin trả lời họ. Tôi không ngủ trưa để tranh thủ trả lời họ, vì họ cũng đang cần tư vấn".

Bác sĩ Phan Xuân Trung cho biết, trong những ngày qua, các thầy thuốc đã nhận được nhiều yêu cầu tư vấn, có khi một bác sĩ nhận đến hàng chục cuộc gọi/ngày. Xuất phát từ ý định ban đầu là kêu gọi thầy thuốc giúp dân trong hoàn cảnh giãn cách xã hội, hiện nhóm còn thu hút nhiều tấm lòng hảo tâm, tổ chức thiện nguyện nhằm giúp sức, chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm