pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thành phố ở Hàn Quốc khuyến khích nông dân cưới du học sinh Việt: “Đây là sự phân biệt đối xử với nữ giới"
Đám cưới tại Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
Ngày 28/5, Trung tâm Nhân quyền cho Phụ nữ nhập cư Hàn Quốc (WMHRCK) cho biết, đã tìm thấy bài quảng cáo trực tuyến cho chiến dịch của thành phố Mungyeong (tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc) vào giữa tháng 4/2021.
Theo đó, chính quyền mong muốn giúp những người nông dân đã "quá tuổi kết hôn" cưới vợ là những du học sinh Việt Nam. Chiến dịch này được cho là góp phần ngăn chặn sự suy giảm dân số và sự già hóa của xã hội Hàn Quốc. Bên cạnh đó, chính quyền cũng yêu cầu các công ty môi giới hôn nhân quốc tế hợp tác.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia Xã hội học, PGS.TS Phạm Hương Trà cho rằng, việc kết hôn giữa người Việt Nam với người nước ngoài (như với người Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc) là thực trạng không mới ở Việt Nam. Nhiều làng ở miền Bắc, nhiều ấp ở miền Tây còn có "trào lưu" lấy chồng người nước ngoài, đôi khi họ còn tự môi giới cho nhau sau khi sang bên đó mà không cần qua trung tâm môi giới.
Bởi vậy, khi biết thông tin trên, chuyên gia Phạm Hương Trà không quá bất ngờ về việc chính quyền thành phố Mungyeong có chiến dịch "khuyến khích nông dân lớn tuổi kết hôn với du học sinh Việt Nam".
Tuy nhiên, điều cần nói ở đây không chỉ là việc họ chỉ đích danh nhóm người nào, độ tuổi nào ở Hàn Quốc kết hôn với nhóm người nào ở Việt Nam. "Nếu xét ở góc độ giới thì đây là sự phân biệt đối xử đối với nữ giới, đặc biệt là các nữ lưu học sinh/du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc cũng như các nữ du học sinh của các quốc gia khác", chuyên gia Phạm Hương Trà bày tỏ.
Trong khi những du học sinh đi nước ngoài học tập cơ bản là những người có trình độ học vấn tốt, có ngoại ngữ. Tuy nhiên, chiến dịch ghi rõ là nông dân quá tuổi kết hôn ở Hàn Quốc, dường như hạ thấp vị thế người phụ nữ Việt Nam.
Chính vì vậy, theo chuyên gia Phạm Hương Trà, việc chính quyền thành phố Mungyeong đưa ra chiến dịch này và "yêu cầu" các công ty môi giới ở Việt Nam hợp tác, thiết nghĩ bản thân chính quyền ở Việt Nam (đặc biệt là những nơi có du học sinh đi học tại Hàn Quốc) cần có những quy định cụ thể để:
1. Đảm bảo quyền lợi, lợi ích của công dân Việt Nam;
2. Chống chảy máu chất xám do việc du học sinh đi học không trở về;
3. Giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái (tình trạng này diễn ra nhiều ở các cặp đôi đặc biệt có sự bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, chênh lệch về trình độ học vấn).
Được biết, ngay sau khi công bố chiến dịch của mình, chính quyền thành phố Mungyeong đã nhận nhiều chỉ trích gay gắt từ các nhóm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và dân nhập cư. Họ cho rằng chiến dịch đó là phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử, không chỉ chống lại một quốc gia nói riêng mà còn chống lại tất cả phụ nữ nhập cư và du học sinh sống tại Hàn Quốc nói chung.
WMHRCK tuyên bố rằng chính quyền thành phố đã khuyến khích việc thương mại hóa các cuộc hôn nhân quốc tế, dù cho nhiệm vụ của họ là ngăn chặn chúng. Vào cuối ngày 28/5, WMHRCK đã cùng 63 nhóm dân sự và 144 cá nhân khác đệ đơn lên Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc để tố cáo chính quyền thành phố Mungyeong. Một người đại diện Trung tâm cho biết: "Chúng tôi cho rằng chiến dịch của họ đã vi phạm quyền bình đẳng của phụ nữ nhập cư cũng như quyền mưu cầu hạnh phúc của họ ở Hàn Quốc".