pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thấp thỏm trước những thay đổi quy định môn thi thứ 3 tuyển sinh lớp 10
Ảnh minh họa
Quay cuồng học thêm khi chưa biết sẽ thi môn nào
Minh Thu, học sinh lớp 9 trường THCS Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) dự kiến sẽ phải mất cả tuần để đi học thêm khi mà lịch học thêm 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh chưa thể đảm bảo cho Thu có lợi thế trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội.
Mặc dù đã "thở phào" khi Bộ GD&ĐT bỏ quyết định bốc thăm môn thi thứ 3 nhưng với dự kiến môn thi thứ 3 sẽ phải thay đổi hằng năm và đến ngày 31/3/2025 mới công bố thì cả bố mẹ, thầy cô và các bạn của Minh Thu đều lo lắng trước khả năng sẽ phải học thêm, ôn tập nhiều môn để chuẩn bị cho một kỳ thi căng thẳng hơn thi đại học.
Đây cũng là tâm trạng chung của đa số học sinh lớp 9 khi Bộ GD&ĐT đề xuất địa phương chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 trong số các môn: Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học. Nhưng môn này không cố định mà thay đổi hằng năm, được công bố trước ngày 31/3.
Bộ GD&ĐT cho biết, năm học 2024-2025 là năm khép kín chu kỳ thực hiện Chương trình giáo dục 2018 từ lớp 1 đến lớp 12. Theo đó, năm học này thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT sẽ thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để các địa phương có căn cứ triển khai chuẩn bị cho các kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã dự thảo và đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Quy chế thi tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh, có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương. Theo đó, Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố phê duyệt và lựa chọn phương thức.
Đối với việc tổ chức thi tuyển, để đảm bảo thống nhất và đảm bảo quan điểm kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, dự thảo Quy chế quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hàng năm.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Việc lựa chọn môn thi thứ 3 có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.
Như vậy, so với nội dung lấy ý kiến các Sở GD&ĐT và các nhà trường hồi tháng 9/2024, Bộ đã bỏ việc bốc thăm ngẫu nhiên môn thứ ba.
Mong muốn một kỳ thi ổn định, không gây áp lực cho học sinh
Trước dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất nên để các địa phương chủ động trong việc chọn môn thi thứ ba trên tinh thần đảm bảo đánh giá toàn diện năng lực, phẩm chất của người học theo đúng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế và đào tạo nguồn nhân lực của mỗi địa phương.
Thực tế, đây cũng là mong muốn của đa số phụ huynh, học sinh khi áp lực của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với nhiều địa phương là rất lớn. Việc thay đổi môn thi hằng năm khiến học sinh lo lắng và phải tìm thêm các lớp ôn luyện những môn có khả năng rơi vào môn thi thứ 3.
Để giải quyết những lo lắng này, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu - Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng, việc Bộ để các địa phương chủ động dựa vào điều kiện của địa phương triển khai 3 bài thi vào lớp 10, so với việc bốc thăm đã trúng hơn với mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trúng hơn vào mục tiêu thúc đẩy học tập toàn diện ở bậc THCS và chú ý tới phân luồng vào bậc học tiếp theo.
Để đảm bảo vừa đạt mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vừa không gây áp lực học thêm cho học sinh, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, các địa phương cần sớm xây dựng, đầu tư cho công tác khảo thí, chuẩn bị cho bài thi tổng hợp nhằm đánh giá đầy đủ kiến thức, kỹ năng của học sinh với nhiều môn học, thay vì chỉ chọn một môn và thay đổi hằng năm.