pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thật - giả lẫn lộn trong thế giới đồ cổ
Một cửa hàng trên phố đồ cổ Lê Công Kiều, quận 1, TPHCM
Len chân đi chơi đồ cổ
Để tìm hiểu về đồ cổ, chúng tôi đến gặp ông Lê Văn Nuôi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM. Vừa bước vào nhà, ông Nuôi đã lôi ra những đồ bát, ly, đĩa, xót xa nói: "Đồ thờ từ thời cụ cố nhà tôi, không giữ được tôi đành phải đem cầm bán vậy". Ông Nuôi kể, mấy tháng trước, gia đình gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 nên ông cầm mấy chiếc bát ra chợ đồ cổ trên đường Lê Công Kiều (quận 1, TPHCM) để bán. Nâng niu mấy chiếc bát ra ướm thử, ông Nuôi nhận được câu trả lời: "Đồ nhà Nguyễn, rẻ lắm, đổ đầu, 1 triệu". Tiếc nuối pha lẫn xót xa, ông Nuôi lụi cụi sang mấy hàng bên cạnh nhưng giá mua không thay đổi, có chủ cửa hàng còn xin "quét" lại hình để xem hàng thật, hàng giả.
Trong những ngày tìm hiểu về thế giới đồ cổ, chúng tôi gặp một người tên Phạm Trịnh "đồ cổ" ở Gò Vấp. Chúng tôi mượn mấy chiếc bát cổ của ông Nuôi để hỏi thông tin. Ông Trịnh xem hồi lâu rồi bảo: "Đúng đồ nhà Nguyễn thế kỷ XVIII nhưng là đồ các quan đặt hàng bên Trung Quốc, hàng tinh xảo và thuộc dạng hiếm. Hàng này, 1 triệu đồng/chiếc bát là giá giao dịch… nội bộ, còn nếu dân kinh doanh, họ có thể hét giá cao hơn". Chợt nhớ ra điều gì, ông Trịnh hỏi: "Các anh có cho họ chụp hình không?". Thấy vẻ mặt ngơ ngác của chúng tôi, ông Trịnh giải thích: "Với những mẫu đẹp, hiếm, dân buôn đồ cổ thường lấy mẫu rồi đặt hàng bên Trung Quốc y như thật rồi chuyển về TP.HCM bán. Nhiều tay mơ bị gạt cả trăm triệu là chuyện thường. Đến tôi chơi đồ cổ hàng chục năm còn bị lừa".
Ông Lê Văn Nuôi kể: "Ba năm trước trên mạng mua bán cổ vật, tôi thấy có người ở Hải Phòng giới thiệu một chiếc chóe đời Minh giá gần 400 triệu đồng. Thấy đẹp quá, các họa tiết đều thuộc dạng hiếm, tôi xuống tận Thủy Nguyên, Hải Phòng. Hóa ra cũng là một tay chơi đồ cổ, anh này vừa mua từ trong bản ở Bắc Giang đem ra kiếm lời. Khi biết chắc là đồ thật, tôi mua và chuyển về TP.HCM. Nhưng khi tôi đưa cho nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đình Sơn xem thì ông í nói: Cốt đúng là sứ thời Minh nhưng được phủ men pha đồng chất với loại men thế kỷ XV, nét vẽ tinh xảo hơn… Có thể chiếc chóe này được dân vớt tàu đắm lùng được, đã vỡ và dùng kỹ thuật gắn lại, vẽ mới".
Tinh vi cách làm món đồ "đượm màu thời gian"
Theo nhà sử học Nguyễn Nhã, đồ cổ ngày càng hiếm, nếu còn nguyên vẹn, giá cũng rất cao, làm gì còn nhiều món để bày bán nhan nhản trên phố Lê Công Kiều. Việc giả mạo đồ cổ, nhất là đồ gốm sứ, bao năm qua đem lại cho dân buôn cổ vật những thương vụ lãi lớn. Và theo thời gian, mức độ tinh vi trong "mông má" đồ cổ ngày càng cao. Ngoài chuyện đồ cổ bị sứt mẻ, vỡ, bị ngả màu do để lâu trong môi trường nước, đất ẩm, các nét vẽ bị bay, một số đồ sẽ được tô lại nhưng dễ nhận biết vì phần trang trí, vẽ thêm rất khó đồng bộ với thân thể hiện vật.
Chia sẻ về cách "mông má" đồ cổ, ông Lê Văn Nuôi cho biết, dân giả cổ thường phun một lớp hóa chất làm mờ đều các họa tiết, bôi bùn đất cho nhem nhuốc sau đó thả xuống hồ, ao, có người còn đem ra biển, chỗ nào nhiều hà, sò để thả, 2-3 năm sau vớt lên, thế là thành đồ cổ. Với những món đồ bị vỡ, sau công đoạn "râu ông nọ cắm cằm bà kia", thợ thủ công sẽ phủ một lớp men theo đúng công thức pha men cùng thời kỳ món đồ cổ, sau đó phun hóa chất, cho vào lò nung và cho xuống biển…
Biết dân chơi cổ vật thường xem đáy đồ sứ để xác định niên đại, dân buôn từ những năm 1998-1999 đã cắt phần đáy của những cổ vật bị vỡ rồi đến các vùng chế tác đồ gốm, sứ như: Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng hay sang Trung Quốc để đặt hàng. Những lằn tiếp giáp mới-cũ được che mờ bằng men và họa tiết, phải dùng C14 xác định đồng vị carbon mới biết đích xác niên đại cổ vật. Tinh vi hơn, đồ giả cổ còn được nghiên cứu để tạo bọt, tạo gỉ sét, kim gút cho món đồ "đượm màu thời gian".
TS. Phạm Ngọc Dũng, chuyên gia khảo cổ học trường Đại học Văn hóa TP.HCM, cho rằng, với đồ gốm thì dễ nhận biết hơn song cũng phải hết sức cẩn trọng. Nguyên liệu chế tạo gốm cổ là đất chứa nhiều khoáng, mang một cảm giác cổ xưa, thuần phác, màu sắc dịu nhẹ, trong khi hàng giả cổ thường dùng nguyên liệu màu thông thường, sặc sỡ, tương đối đều màu, rất khó tróc khi nung nóng. Gốm màu được chôn vùi dưới đất mấy nghìn năm, màu sắc sẽ khác nhau, dễ bong tróc, khi ngửi, có mùi đất nhẹ, đôi khi còn có dấu tích của bộ rễ thực vật.
Một số loại gốm giả cổ cũng được trát bùn đất lấy từ vùng khai quật, nhiều mẫu gốm có thể ngửi thấy mùi đất và có dấu tích của bộ rễ. Song, đồ giả cổ có mùi khói của đất hầm, rất gắt. Vết tích của bộ rễ thực vật nếu làm giả bằng ăn mòn hóa học cũng được xác định từ các vết lõm, chìm trong bề mặt sản phẩm. Bên cạnh đó, gốm cổ ít thấm nước, nếu bôi một chút axit lên bề mặt, hàng giả sẽ không bốc khói, không sinh ra bọt…