Nhắc đến VNEN, có thể mạnh dạn dùng cụm từ “thất bại thảm hại” khi áp dụng quá máy móc, rập khuôn từ mô hình kiểu mẫu ở Columbia. Từng đứng lớp dạy học sinh tiểu học theo VNEN, một giáo viên ở TP. Vinh (Nghệ An) đã phải thốt lên: “Học sinh thì tự học mãi không xong, còn giáo viên thì thừa thãi vì không được phép can dự vào cuộc tranh luận của các trò!”.
Theo nữ giáo viên, điều mà cô cảm thấy buồn cười nhất là dạy VNEN nhất thiết phải khiến học sinh chia nhóm nhỏ ra và cùng bàn luận mọi vấn đề của bài học. Trong khi đó, giáo viên muốn dạy hay mở rộng bài học thì không được phép vì quy định cho rằng như vậy là làm thay học trò.
“Bảng nhất định không được phép dùng tới, trong khi bao nhiêu năm trời đi dạy tôi đã quen với phấn, bảng và cách để gợi mở nội dung bài học cho học sinh từ chiếc bảng. Thế nhưng dạy VNEN thì chỉ có các em túm tụm vào nhau, tranh luận mọi thể loại vấn đề, kể cả những điều mà các em không hiểu!”- cô nói.
Theo nữ giáo viên này, VNEN nêu cao tinh thần tự học, tự suy nghĩ và hợp tác nhưng thực tế, không ít học sinh ở ta đang trong tình trạng “ngồi nhầm lớp”. Trình độ chênh lệch và hạn chế, khó có thể đòi hỏi các em tự tư duy, tự suy nghĩ và tranh luận về tất cả các vấn đề ở lứa tuổi tiểu học.
Thầy trò cùng... ngộp thở
Với VNEN, mỗi giáo viên có một trải nghiệm riêng mà phần lớn đều cảm thấy “hãi hùng”. Về điều này, thầy Đinh V.T (giáo viên tiểu học ở Hà Tĩnh) chia sẻ với PNVN: “Mất thời gian nhất là khâu trang trí lớp. Đòi hỏi quá nhiều vật dụng, trang trí, biểu bảng, trong khi diện tích lớp thì chật chội, kinh phí thì hạn hẹp, nhiều lúc thầy cô phải bỏ tiền túi ra để trang trí nhằm đẹp đội hình. Cảm giác của cả thầy và trò là chỉ muốn… ngộp thở!” - theo thầy giáo này.
Nam giáo viên chia sẻ thêm, rõ ràng trong “cuộc chơi” này, cả thầy và trò đều rất bị động. Mọi thứ, theo như cảm nhận của thầy là rất thiếu tự nhiên, gượng gạo và ép phải theo một khuôn mẫu nào đó.
“Nhớ quãng thời gian dạy trước đấy vài năm, dạy truyền thống thôi, chỉ một tấm bảng và vài viên phấn màu các loại, thầy trò chúng tôi từng có nhiều giờ giảng vui vẻ, thú vị. Trò nào muốn thể hiện suy nghĩ, tôi tạo điều kiện cho em nói. Em nào còn nhút nhát, tôi không ép. Trước một vấn đề khó, tôi khích lệ các em không giấu dốt và sẵn sàng giúp các em gỡ rối. Đơn sơ thôi, nhưng vui và thực chất!” - nam giáo viên chia sẻ thêm.
Nhiều giáo viên cho rằng, điều mà họ thiếu là sự chủ động, là những kỹ năng cần thiết để thích ứng với một mô hình hoàn toàn khác biệt với kiểu giảng dạy truyền thống. Vì vội vã áp dụng nên khi vào thực tế, thầy cô rất lúng túng. Trong khi đó, học sinh càng mệt mỏi khi trình độ, khả năng các em chưa đủ để đáp ứng yêu cầu cách học mới.
Tốn kém chẳng để làm gì
Nhà giáo Văn Như Cương khi đề cập đến Dự án VNEN của Bộ GD&ĐT đã tỏ sự băn khoăn. Điều mà thầy đặt ra là mô hình VNEN có liên quan gì đến đổi mới giáo dục của nước ta sắp tới hay không? “Rập khuôn máy móc với Columbia là điều không khó hiểu, bởi đơn giản, ta có áp dụng y nguyên bản gốc thì Ngân hàng Thế giới mới “rót” tiền. Thế nên mới có câu chuyện muốn thực hiện được mô hình VNEN thì mỗi lớp phải kê bàn ghế thành 6 “mâm”, mỗi “mâm” 6-7 người, các em không chỉ cứ cúi xuống để “ăn” mà phải vẹo đầu nhìn lên bảng do vị trí và ghế ngồi không phải ghế xoay” - ông chua chát.
“VNEN đã rập khuôn một cách máy móc (từ cách ngồi học, lớp trưởng, bầu bán lớp trưởng đều có quy trình), tôi không hiểu những điều đó để làm gì. Nếu như ta phải làm như vậy để được lĩnh tiền thì thật là vô lý và đáng buồn!” - nhà giáo Văn Như Cương bày tỏ suy nghĩ.
Với VNEN, nhà giáo Văn Như Cương cho rằng, sẽ không ai có thể đứng ra kiểm chứng được sự thành công hay thất bại. Con số các tỉnh “bỏ của chạy lấy người” khỏi VNEN, mới nhất là Hà Tĩnh, có lẽ là câu trả lời rõ ràng nhất. Ông đề nghị Bộ GD&ĐT cần nhìn nhận nghiêm túc về dự án này để đánh giá nó đang ở mức độ nào, trên cơ sở phải lắng nghe ý kiến từ chính phụ huynh, giáo viên.