Theo hồ sơ bệnh án, sáng ngày 16/10/2018, BV tiếp nhận bệnh nhi Chung Ngọc Thuyên với biểu hiện da toàn thân bong tróc. Qua khai thác bệnh sử từ người thân, khi 2 tháng tuổi, bệnh nhi có nhiều bất thường trên da, bong vảy nhiều ở da đầu, thân mình. Gia đình cho bé đi khám và điều trị ở cơ sở y tế địa phương, bệnh có ổn định nhưng sau đó tái phát nhiều lần. Người nhà sốt ruột đã đi khám thầy lang, dùng thuốc lá, lâu dần khiến tình trạng bệnh ngày một nặng thêm.
Tại BV, qua thăm khám PGS.TS Doanh nhận thấy bệnh nhi có tổn thương cơ bản là các dát đỏ bong vảy trắng dày, dễ bóc ở tay chân, thân mình, tập trung chủ yếu ở bàn tay, bàn chân, cẳng chân hai bên. Mụn mủ nông, tập trung rải rác thành đám ở đầu gối, cẳng tay, bụng. Bệnh nhi hơi sốt nhẹ nhưng tỉnh táo, ngứa nhiều. Móng tay vàng và có dấu hiệu bị mủn. Bệnh nhi được chẩn đoán bị vảy nến thể mủ toàn thân nên chỉ định nhập viện.
Trong quá trình điều trị, các bác sĩ cho bé dùng thuốc kháng sinh, kháng histamin, thuốc bôi, dưỡng ẩm.
Sau 10 ngày điều trị, tình trạng bệnh của cháu đã ổn định nên được xuất viện.
Đối với bệnh ảy nến thể mủ, bác sĩ Doanh cho biết đã có chứng minh thuốc nam, thuốc lá không phải phương pháp điều trị bệnh chính thống. Đó là chưa kể, đắp các loại lá dễ làm kích ứng khiến trẻ khó chịu. Đến nay vảy nến được gọi là bệnh mạn tính kéo dài, việc điều trị cần quản lý suốt đời, với trẻ em điều trị rất dài và cần có chỉ định rõ ràng.
Bác sĩ Doanh cũng khuyến cáo, nếu người dân có bất thường trên da cần đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Đặc biệt, đối với bệnh vảy nến, bệnh nhân không nên lo lắng, vì có thể khiến bệnh nặng hơn.