pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thay đổi nhận thức và hành động về bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng
Những cô gái Cơ Ho (Lâm Đồng) múa điệu xoang vòng quanh cây nêu. Ảnh minh hoạ: VNP
Từng bước thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nhằm xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới
Lâm Đồng có 72 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc 32 xã của 7 huyện: Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương, Đơn Dương triển khai thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em". Các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đã cụ thể hóa các chỉ tiêu trong kế hoạch, tổ chức các hoạt động gắn với thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" của đồng bào DTTS nói chung và phụ nữ nói riêng.
Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức tập huấn hướng dẫn, thành lập và vận hành Tổ truyền thông cộng đồng, nâng cao năng lực vận hành và quản lý tổ truyền thông; hướng dẫn đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn/bản cho các đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, cán bộ chuyên trách Hội LHPN huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo… tại các huyện triển khai thực hiện Dự án 8.
Ngoài ra, Hội đặc biệt chú trọng tập huấn nâng cao năng lực cho 4 Tổ truyền thông cộng đồng tại các thôn Bộ Bê, Nao Sẻ, Hà Giang, Ka Sá của xã Gia Bắc, huyện Di Linh. Đây là các Tổ truyền thông cộng đồng điểm được Hội LHPN tỉnh thành lập nhằm tuyên truyền, từng bước thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng, những tập tục văn hóa lạc hậu vùng đồng bào DTTS…
Sau khi 4 Tổ truyền thông cộng đồng điểm đi vào hoạt động hiệu quả, Hội LHPN các huyện Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương, Đơn Dương đã thành lập 72 Tổ truyền thông cộng đồng tại 72 thôn thuộc dự án. Hoạt động xuyên suốt, nổi bật của các Tổ truyền thông cộng đồng tập trung vào các vấn đề: tuyên truyền phòng, chống ma túy, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; an toàn giao thông; cài đặt tài khoản định danh điện tử; một số nội dung của Phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Lâm Đồng thời đại mới" và quy định của pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới…
Đa dạng hóa các mô hình hay
Bên cạnh thành lập Tổ truyền thông cộng đồng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, các cấp Hội tích cực thành lập các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" trong cộng đồng vùng đồng bào DTTS.
Hội LHPN tỉnh đã ra mắt Mô hình điểm "Địa chỉ tin cậy cộng đồng" tại thôn Kala Karọt (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh). Hội LHPN các huyện Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương, Đơn Dương thành lập và củng cố 22 "Địa chỉ tin cậy cộng đồng"; xây dựng 1 mô hình "Địa chỉ an toàn" tại xã Tà Năng, huyện Đức Trọng.
Các mô hình đi vào hoạt động đã từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực ở cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của người dân và hội viên phụ nữ, trở thành "điểm tựa" cho phụ nữ bị bạo hành.
Cùng với việc thành lập, nhân rộng các mô hình hướng đến hội viên phụ nữ, Hội LHPN các cấp trong tỉnh Lâm Đồng dành nhiều sự quan tâm đến nhóm đối tượng là trẻ em. Cụ thể, Hội LHPN tỉnh ra mắt CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" điểm tại Trường Tiểu học - THCS Gia Bắc, huyện Di Linh.
Đến nay, ngoài CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" điểm, Hội LHPN 7 huyện thực hiện Dự án 8 đã thành lập 24 CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi". Hoạt động của các CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" đã từng bước nâng cao kiến thức, kỹ năng của trẻ, đồng thời cao nhận thức, thái độ và hành vi của giáo viên, cha mẹ, người dân tại cộng đồng và cán bộ địa phương trong thực thi quyền và nghĩa vụ của trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại, bóc lột, buôn bán, bắt cóc, tảo hôn… Qua đó, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, tạo dựng mạng lưới xây dựng cộng đồng an toàn, không bạo lực giới.
Không ngừng chăm lo, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em trong vùng đồng bào DTTS
Để thực hiện hiệu quả, đồng bộ, rộng khắp đến toàn thể các nhóm đối tượng trong cộng đồng, các cấp Hội còn chú trọng trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng. Hội đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, truyền thông xóa bỏ định kiến giới, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em và phòng, chống mua bán người; cung cấp kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, tư vấn pháp luật, kiến thức và kỹ năng về phòng, chống xâm hại tình dục, phòng, chống bạo lực gia đình…
Đánh giá về các hoạt động của Dự án 8 tại địa phương, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng khẳng định: Thông qua các hoạt động của Dự án 8 đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân vùng đồng bào DTTS về bình đẳng giới, khuôn mẫu giới; phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; các kiến thức về hôn nhân và xây dựng gia đình no ấm – tiến bộ - hạnh phúc; góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ Lâm Đồng thời đại mới…
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN tỉnh Lâm Động sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội; nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng thôn, người có uy tín. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động, thúc đẩy các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em trong vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, hỗ trợ để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện…
Chắc chắn, với sự nỗ lực của các cấp Hội Phụ nữ Lâm Đồng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính chị, sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của hội viên và cả cộng đồng, Dự án 8 sẽ làm thay đổi tích cực và toàn diện đời sống mọi mặt của phụ nữ - trẻ em Lâm Đồng nói riêng, cả cộng đồng nói chung.