Người thầy, người bố, người ông của nhiều thế hệ học trò
Thông tin thầy Văn Như Cương qua đời lan rất nhanh vào sáng nay, trong sự tiếc nuối vô hạn của người thân, hàng chục thế hệ học trò thân yêu. Có lẽ, tài sản lớn nhất của cuộc đời vị giáo già đáng kính, chính là tình yêu bất biến của các lứa học trò từng được học dưới mái trường Lương Thế Vinh (Hà Nội).
Phát hiện có một khối u gan ác tính, đối mặt với bệnh tật, thầy chọn sự chiến đấu kiên cường. Trái với lời tiên đoán của bác sĩ rằng, thầy chỉ duy trì cuộc sống được trong khoảng 3 tháng nữa, thầy vẫn lạc quan điều trị bên cạnh người vợ rất mực yêu thương và học trò khắp nơi luôn động viên thầy bằng những hành động ý nghĩa.
Quá trình chiến đấu với bệnh tật, thầy luôn tâm sự rằng: “Học trò luôn coi tôi là bố, là ông nên tôi thấy mình đáng sống lắm!”.
Trước khi qua đời, nhà giáo Văn Như Cương đã phải điều trị tại bệnh viện vì khối u gan đã chèn sang mật. Đến ngày 6/10, thầy được gia đình đưa về nhà.
Thầy Cương là người đã lên tiếng mạnh mẽ góp ý nhiều vấn đề giáo dục nước nhà, luôn nhiệt tình và sẵn sàng với đội ngũ báo chí cũng như thể hiện trên facebook cá nhân, để qua đó nói lên quan điểm nhìn thẳng sự thật, với mong muốn ngành giáo dục thêm phát triển.
Trên hết, là một nhà giáo, thầy đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình khi truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò bằng những thông điệp vô cùng ý nghĩa và tràn trề lạc quan: "Biển học mênh mông, sách vở chỉ là vùng biển gần bờ", "Ai cũng vào đại học là lạc hậu", "Trước hết phải là người tử tế"…
Chuyện tình cổ tích
Nhắc đến thầy Văn Như Cương không thể không nhắc đến cô Đào Kim Oanh, người vợ thân yêu đã đồng hành cùng thầy hơn 60 năm trong mọi khó khăn, gian khổ nhất của cuộc đời.
Cho đến những ngày cận kề cái chết, thầy vẫn trìu mến gọi vợ mình là “em”, hai vợ chồng vẫn dành cho nhau những cử chỉ thân thương sau nhiều năm bên nhau. Với thầy, vợ là mối tình đầu và cũng là mối tình sau cuối.
Thầy và cô gặp nhau năm 1957, khi thầy đang là sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đi đăng ký thực tập ở trường THPT Trưng Vương, còn cô Đào Kim Oanh đang là nữ sinh học tại trường.
Nhắc đến kỷ niệm những ngày đầu gặp nhau, thầy Văn Như Cương luôn dành cho vợ những lời nói đầy trân trọng, yêu thương như thuở ban đầu: “Nữ sinh thăm tôi ngày ấy cứ vơi dần đi, cho đến khi còn mỗi nhà tôi, thì chúng tôi yêu nhau”.
Thầy Văn Như Cương với người vợ của mình, có lẽ là duyên phận. Khi thầy vào Vinh dạy ĐH Sư phạm Vinh năm 1959, cô Oanh cũng trở thành tân sinh viên của trường và họ tiếp tục cùng nhau dạy, học dưới mái trường này.
Năm 1962, cô thầy tổ chức hôn lễ sau khi cô tốt nghiệp ĐH. Bốn năm sau (từ năm 1966 đến 1971), thầy Văn Như Cương sang Nga học tiến sĩ, cô Oanh đang mang thai người con thứ hai, ở nhà chăm con để chồng yên tâm đi xa.
Có gần gũi, rồi lại xa cách, khó khăn muôn trùng giữa chiến tranh, bom rơi đạn lạc, nhưng tình yêu ấy vẫn mãi bền chặt không có điều gì có thể ngăn cách.
Ngày biết tin chồng lâm bệnh nặng vào năm 2014, cô Oanh đã nắm tay chồng động viên: “Anh không thể chết được. Anh không thể xa mẹ con em và không thể bỏ hơn 3.000 học sinh nữa. Anh còn nợ mọi người nhiều lắm!".
Những ngày cuối đời, ở bên thầy luôn có hình bóng của cô. Để tiện công việc của chồng, cô Oanh ở lại 24/24h cùng chồng, chăm sóc chồng. Có lẽ bây giờ, khi đã về nơi vĩnh hằng, chắc chắn, thầy Văn Như Cương đã nở một nụ cười mãn nguyện khi có bên mình một người bạn, người vợ đồng hành, chia ngọt sẻ bùi.
* PGS Văn Như Cương là người thành lập trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) từ năm 1989 và đảm nhiệm vị trí hiệu trưởng cho đến năm 2014. Từ đó cho đến lúc trước khi qua đời, thầy giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị trường. Ông cũng là người chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học; là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao). |