pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thay vì áp đặt, hãy giao tiếp với con bằng tình yêu thương

Ảnh minh họa
Gia đình là "trường học" đầu tiên của trẻ. Ở đó, sự giao tiếp bằng tình yêu thương là "cầu nối" để trẻ cảm thấy an toàn, được chấp nhận và tự tin phát triển. Khi cha mẹ lắng nghe với sự thấu hiểu, nói chuyện với sự tôn trọng, thì những khác biệt giữa các thế hệ không còn là trở ngại.
Trong hành trình làm cha mẹ, không ai hoàn hảo ngay từ đầu. Nhưng mỗi ngày chúng ta đều có thể chọn học cách hiểu con hơn, học cách lùi lại để chia sẻ đúng lúc, học cách chấp nhận con như chính con người thật của chúng…
Khi đó, chính cha mẹ cũng đang hoàn thiện bản thân qua từng cuộc trò chuyện. Giao tiếp yêu thương không phải là kỹ năng cao siêu, mà là sự luyện tập kiên nhẫn mỗi ngày. Khi cha mẹ bắt đầu hành trình làm bạn với con, gia đình sẽ trở thành nơi trẻ muốn chia sẻ.
Không muốn chia sẻ vì tâm lý bị phán xét
Trong không ít gia đình, cha mẹ thường sử dụng cách nói chuyện theo hướng ra lệnh, truy vấn hoặc phán xét. "Con làm cái này là sai rồi!", "Con đi đâu mà giờ này mới về?", "Tại sao điểm lại thấp như vậy?"…
Những câu hỏi và nhận xét kiểu này dễ khiến trẻ cảm thấy bị soi xét, mất niềm tin và không được lắng nghe.
Từ tâm thế đó, đứa trẻ thường né tránh, nói dối hoặc khép kín, không phải vì chúng không muốn chia sẻ, mà vì chúng không muốn bị "điều tra". Sự thiếu tôn trọng trong giao tiếp dần bào mòn sợi dây kết nối giữa cha mẹ và con cái, đặc biệt trong giai đoạn dậy thì, khi trẻ cần được định hướng nhưng lại rất nhạy cảm với cảm giác bị kiểm soát.

Ảnh minh họa
Yêu thương không chỉ là hành động
Muốn con cái cảm nhận được sự yêu thương, trước hết cha mẹ cần học cách giao tiếp tử tế, tức là nói chuyện với con như với một người có cảm xúc, có lập trường riêng, cần được tôn trọng. Yêu thương qua giao tiếp thể hiện qua giọng điệu nhẹ nhàng, ánh mắt lắng nghe và nhất là cách đặt câu hỏi.
Thay vì hỏi: "Sao con lại làm thế?", hãy thử: "Con có thể kể cho mẹ nghe điều gì đã khiến con chọn cách đó không?". Chỉ cần một thay đổi nhỏ trong ngôn từ, cha mẹ đã truyền đi thông điệp: Cha mẹ không phán xét, cha mẹ muốn hiểu con.
5 cách nói chuyện để con cảm thấy được tôn trọng
1. Dùng câu "Mẹ muốn hiểu con hơn", thay cho "Con phải nói thật"
Khi con có hành vi khiến bạn lo lắng, đừng ép con khai ra như tra hỏi. Hãy mở lời bằng mong muốn chân thành: "Mẹ thấy con có vẻ đang buồn, mẹ muốn hiểu chuyện gì đang xảy ra, con có thể chia sẻ với mẹ được không?".
2. Gọi tên cảm xúc, thay vì dán nhãn hành vi
Thay vì nói "Con thật lười!", hãy nói "Mẹ thấy dạo này con có vẻ mệt và ít tập trung, con có đang gặp điều gì khó chịu không?". Điều này giúp trẻ nhận diện cảm xúc, không cảm thấy bị gắn mác tiêu cực.
3. Lắng nghe trọn vẹn, không chen ngang hay vội vàng kết luận
Khi con đang nói, hãy dừng mọi việc lại và lắng nghe bằng ánh mắt, gật đầu và sự kiên nhẫn. Đừng vội tìm cách sửa chữa, hãy cho con cơ hội được bộc lộ.
4. Chia sẻ quan điểm của cha mẹ dưới góc độ cảm xúc, không phải quyền lực
Ví dụ, bạn có thể chia sẻ: "Mẹ lo khi thấy con về trễ mà không báo, vì mẹ sợ có chuyện không hay. Lần sau con nhắn mẹ một câu được không?", thay vì nói: "Mẹ cấm con không được về trễ nữa!".
5. Tôn trọng sự riêng tư và lựa chọn của con trong phạm vi an toàn
Cho con được quyền chọn cách học, chơi, thậm chí cả khi con thất bại, cha mẹ hãy lắng nghe và đồng hành, thay vì kiểm soát từng bước đi.