pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thể nghiệm nghệ thuật độc đáo của họa sĩ Tô Ngọc Trang
Họa sĩ Tô Ngọc Trang
"Sự cố" trong gian bếp
"Cuối năm 2021, vợ tôi làm vỡ một cái bát rất đẹp, nhờ tôi gắn lại. Nhìn đống mảnh vỡ, tôi thấy giống bản thân đến lạ. Tôi đã thử ghép chúng thành mặt mình. Và cuối cùng, ai đến xem cũng nhận ra đó là Trang Trọc", họa sĩ Tô Ngọc Trang tự bạch về câu chuyện làm tranh ghép gốm của mình.
Chiếc bát vỡ của vợ "mở ra một khoảng sáng" trong sáng tạo nghệ thuật của Tô Ngọc Trang, như nhận định của họa sĩ Lý Trực Sơn. Người họa sĩ được biết đến với biệt danh Trang Trọc nhận ra, mỗi mảnh gốm vỡ đều tồn tại ở trạng thái vỡ vĩnh cửu với phẩm chất biểu đạt hội họa nhiều trong một: Từ hình, mảng, màu cho đến khối. Và câu hỏi bật lên trong anh: Tại sao ta không tận dụng các mảnh gốm vỡ tự nhiên tạo thành một bức tranh?
Hơn 2 năm qua, họa sĩ Tô Ngọc Trang đi nhặt nhạnh gốm vỡ, dọn đồ vỡ nát cho hàng xóm láng giềng, cho gia đình, người thân, bạn bè… Với anh, mỗi mảnh vỡ tự nhiên đều là một hình thái tượng trưng không lặp lại, gợi lên hình dung về một biểu tượng nào đó trong ký ức hỗn tạp của mình.
Tô Ngọc Trang chỉ dùng gốm vỡ gom nhặt được và tạo nên tác phẩm từ sự gợi ý về hình, khối, màu của mảnh vỡ. Phần lớn anh không can thiệp vào mảnh vỡ. Chỉ trong một số ít trường hợp, cần một chi tiết biểu đạt nào đó mà những mảnh vỡ hiện có không đáp ứng được, anh mới làm nó vỡ thêm để có những mảnh vỡ mới. Kỹ thuật làm tranh ghép gốm của Tô Ngọc Trang vì thế không giống với bất kỳ nghệ thuật ghép gốm nào trước đây trong kiến trúc hay trang trí đô thị. Bởi anh hoàn toàn không sử dụng đến máy cắt.
Xuất thân là họa sĩ sơn mài, cách Tô Ngọc Trang dùng những mảnh gốm vỡ tự nhiên cũng giống như công việc cẩn trứng. Vỏ trứng vỡ thành các hình khối khác nhau và người nghệ sĩ sẽ chọn những mảnh trứng phù hợp để gắn vào tranh, muốn có những mảnh mới nhỏ hơn thì ấn cho vỏ trứng vỡ thêm ra. Các khối vỡ tự nhiên không lặp lại về hình thái ấy mới tạo nên linh hồn sống động cho tranh sơn mài chứ không thể dùng kéo, dùng dao cắt gọt cho vuông vức, thẳng thớm, hoàn hảo tỷ lệ.
Tất nhiên, nghệ sĩ chuyên nghiệp không thể lệ thuộc vào mảnh vỡ gợi ý cho mình mới bắt tay vào làm. Có một số chân dung được Tô Ngọc Trang lên ý tưởng phác thảo trên giấy trước, chờ mảnh vỡ đến sau. Song, khi mảnh vỡ xuất hiện, ý tưởng ban đầu cũng phải thay đổi, bởi không thể điều khiển những mảnh gốm vỡ theo phác thảo. Mảnh vỡ sẽ dẫn dắt người nghệ sĩ đi theo cách mà chính nó muốn. Ở góc độ của luân hồi, vốn dĩ trong chính mảnh gốm vỡ đã có "thân trung ấm", khoảnh khắc sáng tạo của họa sĩ chính là duyên khởi để nó được tái sinh.
Bởi thế, 27 chân dung ghép gốm trên nền sơn mài sắp được Tô Ngọc Trang trưng bày trong triển lãm "Chiêm bao" không chỉ sống động về màu, về hình, về khối mà còn là một tập hợp kết nối tự nhiên, chân thật của các mảnh vỡ.
Giấc mộng hồ điệp của gốm và người
Trước khi "nghịch" với gốm, Tô Ngọc Trang từng làm chân dung tự họa bằng mấy món đồ bỏ đi, như một cái túi da dê cũ, một cái dây tai nghe hỏng, một cái gọng kính, một mẩu bánh xe rời ra từ chiếc ô tô đồ chơi trẻ con. Nhưng phải đến cái ngày chiếc bát gốm vỡ ra thành gương mặt anh, anh mới hình dung về một lối đi mới cho con đường nghệ thuật của mình.
Tô Ngọc Trang nhìn thấy những gương mặt nhân sinh ở vô vàn những mảnh gốm vỡ mà anh nhặt nhạnh về. Cái chậu trồng cây đặt trước nhà bị ô tô đi qua đâm vỡ tan thành mặt Chúa Giê-su. Cái bình sơn mài hoa gấm vỡ thành gương mặt vợ. Những chiếc đĩa bát cổ vỡ thành mặt Albert Einstein, Stephen Hawking, hề Sác-lô và rất nhiều những gương mặt thân quen khác trong tâm trí họa sĩ…
Những gương mặt, những cái tên sống lại cùng mảnh vỡ. Và ngược lại, những mảnh vỡ sống lại cùng mỗi gương mặt, mỗi cái tên. Nếu chiếc bát vỡ được gắn lại bằng keo chuyên dụng, nó mãi mãi là một chiếc bát vỡ, một thứ có vết tật, một thứ đồ hỏng và thường trực trạng thái bị vứt bỏ. Còn khi những mảnh vỡ tái sinh ở kiếp người, vẫn là mảnh vỡ thôi nhưng là một tập hợp vỡ toàn vẹn.
26 tác phẩm chân dung gốm vỡ của Tô Ngọc Trang và cách thực hành nghệ thuật của anh gợi lên cho người xem nhiều suy tưởng nhân sinh. Mộng hồ điệp của Trang Chu hiển hiện, những hình hài này là chiêm bao hóa kiếp của gốm hay chiêm bao tái sinh của người? Là người mộng thành gốm hay gốm mộng thành người? Song có lẽ, ở thể vỡ toàn vẹn mà người nghệ sĩ tạo ra này, cả người và gốm đều hoàn mãn. Gốm không còn sợ vỡ thêm và người chẳng phải luôn là những mảnh vỡ ghép lại đó sao!
Họa sĩ Tô Ngọc Trang tốt nghiệp ngành sơn mài Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Anh bắt đầu sự nghiệp hội họa ở tuổi ngoài 30, sau khi xuất ngũ khỏi ngành hải quân. "Chiêm bao" là triển lãm cá nhân đầu tiên của anh, cũng đánh dấu một sự kiện mà anh tìm ra một cái tôi khác trên con đường nghệ thuật.
Triển lãm "Chiêm bao" khai mạc ngày 3/1/2025 tại Area 75 - Art & Auction 75 Hàng Bồ, Hà Nội, trưng bày 26 tác phẩm từ chất liệu ghép gốm trên nền sơn mài, tái hiện chân dung của nhiều nhân vật nổi tiếng như Trần Hưng Đạo, Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Lev Tolstoy, Stephen Hawking, Picasso, Van Gogh, Chí Phèo, Thị Nở…