Thế tiến bước của ứng viên Marine Le Pen trong bầu cử Tổng thống Pháp

08/02/2017 - 07:30
Với nhiều phát ngôn gây tranh cãi và chính sách bài ngoại cứng rắn trong cương lĩnh tranh cử của mình, bà Marine Le Pen được coi là "Donald Trump của nước Pháp". Bà đang có nhiều thuận lợi trên đường đua vào vị trí Tổng thống Pháp.
marine-le-pen-2.jpg
Ứng viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen

Bà Marine Le Pen sinh ngày 5/8/1968, là con út trong số 3 người con gái của ông Jean-Marie Le Pen với người vợ đầu Pierrette Lalanne. Nổi tiếng với những tư tưởng dân tộc cực đoan, ông Jean-Marie Le Pen đã luôn quan tâm giáo dục cho các con tinh thần yêu nước nên Marine bắt đầu quan tâm đến chính trị từ rất sớm. Năm 18 tuổi, bà đã tham gia tích cực vào các hoạt động của đảng và từ đó vượt qua một chặng đường dài từ một thành viên bình thường đến người đứng đầu của đảng Mặt trận Quốc gia (FN) năm 2011, kế nhiệm chức vụ quan trọng từ cha mình với 67,6% đảng viên ủng hộ bà.
marine-le-pen-7.jpg
Bà Marine Le Pen và cha - Jean-Marie Le Pen
Trở thành thủ lĩnh của FN, bà bắt đầu giải quyết vấn đề cơ bản của đảng này đó là thay đổi hình ảnh của FN. Bà đã thành công trong một thời gian rất ngắn bằng chiêu thức khơi gợi và xoáy vào “tinh thần yêu nước” chứ không phải là dân tộc chủ nghĩa. Đảng này cũng đã đạt được một số thành công trong bầu cử thời gian gần đây, từ chỗ không có đại diện trong Quốc hội Pháp cho đến nay có nhiều đại biểu trong cả hai viện quốc hội, 11 thị trưởng và hàng trăm hội đồng địa phương các cấp. Thành phần cử tri ủng hộ đảng này cũng mở rộng ra phạm vi toàn quốc với những nhóm cử tri mới ngoài nhóm cử tri truyền thống ở vùng Côte d’Azure.
marine-le-pen-6.jpg
Bà Marine Le Pen đang thắng thế sau scandal của ứng viên François Fillon

Bà đã khởi đầu cuộc đua vào Điện Élysée với nhiều thuận lợi. Trong khi đó, đối thủ nặng ký, cựu Thủ tướng Pháp François Fillon (đảng cánh hữu Những người Cộng hòa - LR) đang mất nhiều sự ủng hộ vì nghi án tuyển dụng khống vợ con (ông François Fillon đã chính thức xin lỗi về vụ việc này nhưng cho biết vẫn theo tiếp tục cuộc đua vị trí Tổng thống Pháp). Ngày 5/2, bà đã giới thiệu với mục tiêu xóa bỏ định kiến của cử tri về một đảng cực hữu. Bà đề xuất Pháp rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), đánh thuế cao đối với hàng nhập khẩu và các hợp đồng lao động của người nước ngoài, giảm độ tuổi nghỉ hưu, cùng nhiều chính sách cứng rắn đối với người nhập cư. Bà cũng tuyên bố rằng sẽ bắt đầu đàm phán lại với EU về tư cách thành viên của Pháp trong khối, bên cạnh đó bà đề xuất không sử dụng đồng tiền chung, không còn các khu vực tự do biên giới nữa. Nếu không đạt được điều này, bà sẽ kích hoạt cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU (Frexit).
Bên cạnh các cuộc tấn công khủng bố, nước Pháp đang lâm cảnh khó khăn bởi tỷ lệ thất nghiệp cao trong thời kỳ hậu công nghiệp, những lo ngại về dân nhập cư, nền kinh tế địa phương sút kém và vỡ mộng với các yếu tố truyền thống dân tộc. Do đó, một người phụ nữ với tinh thần thép, những suy nghĩ táo bạo như bà Marine Le Pen được xem như niềm hy vọng mới cho một nước Pháp phát triển.
marine-le-pen-4.jpg
Cánh cửa phủ tổng thống có thể mở rộng cửa cho bà Marine Le Pen 
 Bà Marine từng tuyên bố sẽ xây dựng nước Pháp hùng mạnh như dưới thời Tổng thống Charles de Gaulle, người đã nâng cao uy tín chính trị của Pháp trên trường quốc tế. Bà còn tuyên bố sẽ đánh mạnh vào tình trạng nhập cư tràn lan, toàn cầu hóa… và tạo ra một quốc gia “không nợ nần ai điều gì”. Những lời lẽ hùng hồn đó đã khiến đám đông dậy sóng, hô vang lời tán tụng bà. Bà nói về “dân tộc”, “chủ quyền” của Pháp và luôn khơi dậy niềm tự hào về “giá trị nền tảng”, về một nước Pháp “đích thực” trong các hoạt động của mình.
Các tờ báo lớn của Pháp và châu Âu miêu tả cách bà Marine nói chuyện với cử tri là “khôn ngoan, sắc sảo”. Người dân Pháp vốn đang đương đầu với nhiều áp lực cảm nhận được sự đồng điệu và tin cậy từ bà. Kết quả thăm dò cử tri gần đây cho thấy bà Marine đang “thuận buồm xuôi gió”, có thể bà sẽ vào đến tận vòng 2 cuộc bầu cử tháng 5/2017. Nhiều chuyên gia dự báo bà Le Pen sẽ giành đủ số phiếu ủng hộ trong các vòng bầu cử.
Tuy vậy, chiến thắng của một đảng cực hữu có nhiều tư tưởng quá khích và bài ngoại cũng đem đến không ít sự lo ngại và thách thức cho một đất nước luôn đề cao các giá trị của nhân quyền, bình đẳng, tự do và bác ái.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm