Thèm được ôm nội, hít hà mùi trầu thoang thoảng

Truyện ngắn của NGÔ NỮ THÙY LINH
25/10/2021 - 19:42
Thèm được ôm nội, hít hà mùi trầu thoang thoảng

Ảnh minh họa

Hai nghìn mấy cây số. Trầy trật. Những đêm nằm đường, ngủ gầm cầu. Cuối cùng nhà Minh cũng đã trở về quê an toàn.

Hành trang còn lại sau bao ngày vật vã, chỉ còn một balo quần áo, một cái quạt và mấy cái điện thoại cục gạch nghe gọi. Đón gia đình Minh và mọi người trở về là những người cán bộ xã, trạm y tế và một số cán bộ phụ trách khu cách ly tập trung. Quê nhà đã là vùng xanh nhưng theo quy định, gia đình vẫn phải cách ly thêm 7 ngày nữa. Nhìn bộ dạng thất thểu của ba và mẹ, Minh xót xa. 

Lúc này, chỉ cần được trở về ngôi nhà, nằm trong chiếc chăn Thu Đông, nghe mưa ngoài hiên rả rích, cũng vui biết bao nhiêu. Vừa đói, vừa mệt, trường học cách nhà chỉ mấy bước chân nhưng cả gia đình vẫn phải cách ly tập trung. Tiền trong túi cạn kiệt. Minh thấy gương mặt ba méo xẹo khi tìm cách nói chuyện với cán bộ về hoàn cảnh gia đình mình. Anh cán bộ nhìn ba trìu mến:

- Bác yên tâm, chính quyền địa phương sẽ có phương án hỗ trợ người dân từ vùng dịch trở về. Cả nhà mình ở lại, chấp hành tốt chủ trương, rồi nhanh thôi, sẽ được về nhà sau khi hoàn thành thời gian cách ly.

Đặt chiếc balo xuống, mẹ nhìn quanh khu cách ly. Trường Mầm non bây giờ đã được thu dọn sạch sẽ. Bố trí giường nằm và một số dụng cụ cần thiết. Minh với mẹ được ở trong một phòng cùng gia đình xóm trên, một em trai nhỏ 5 tháng tuổi và một đứa con gái. Chồng chị ấy được cách ly ở phòng toàn nam giới, có ba và em trai của Minh ở cùng. Hai phòng sát nhau nên việc chạy qua chạy lại cũng dễ dàng hơn.

Đêm đầu tiên trở về quê nhà, mọi thứ đối với Minh thật lạ lẫm. Giống như chưa bao giờ cô ở nơi đây vậy. Khu cách ly buồn hiu hắt. Đến giờ cơm, cán bộ sẽ cử người trực tiếp mang vào cho các hộ gia đình. Còn lại, mọi thứ im ỉm. Chỉ nghe tiếng chim lích rích nơi mấy cây phượng. Quê nhà vào mùa mưa bão, những cơn mưa rào, gió thổi ào ạt. Đứa bé 5 tháng tuổi sợ hãi mỗi khi có tia chớp xẹt qua, kéo theo tiếng sấm đì đùng. Đêm nó ọ ẹ dậy bú mấy lần. Không tìm được vú mẹ, lại khóc tấm tức. Nó đã vượt cả ngàn cây số trở về đây, may thay là suốt dọc đường không bị ốm.

Cậu, mợ và mọi người gọi điện thoại vào khu hỏi thăm rối rít. Bảo cứ yên tâm ở đó cách ly, cần tiền hỗ trợ hay vấn đề gì cứ điện báo một tiếng, sẽ có người đưa vào gửi khu cách ly cho.

Những ngày ăn cơm hộp bắt đầu như thế. Sáng có một chiếc bánh mì, lúc thì mì trứng, lúc mì thịt. Buổi trưa có cơm hộp và buổi chiều cũng thế. Đều đặn những ngày tiếp theo, Minh và mọi người đều được cán bộ chuyển cơm vào và thực hiện nội quy nơi cách ly. Đối với Minh và những người từ vùng dịch trở về, bây giờ cơm hộp vẫn là một thứ xa xỉ. Ai cũng hào hứng ăn cơm, không bỏ sót hôm nào. Nhớ lại những ngày cả gia đình chống chọi với cơn đói, khát, những buổi ngồi bên nồi mì tôm, không một cọng rau, cọng hành, nước mắt Minh lại chực trào. Dịch dã đã ác độc lấy đi của người ta nhiều thứ. Trong đó có cả sự sống. 

Hôm rồi ngồi trên xe, đi tạt qua một gia đình, thấy hai cha con đèo nhau, phía sau thằng nhỏ ôm một cái bình. Không cần hỏi thì Minh cũng biết đó là tro cốt của một người trong gia đình. Khi ngồi nghỉ lại dưới chân cầu, Minh tò mò tới hỏi thăm thằng bé xem tro cốt kia là của ai. Thằng bé gạt nước mắt:

- Là của chị em, chị em mới hai mươi tuổi.

- Ủa, rồi mẹ đâu, sao cha con lại đi với nhau?

- Mẹ em ở nhà chăm nội, nội nay già lắm rồi. Cha con em đi làm, phụ chị đi học và gửi tiền về quê cho mẹ trả nợ, nuôi bà nội.

Nói rồi nó lầm lũi ngồi ra một góc, không ăn uống gì. Chiếc bánh mì người dân cho dọc đường nó cũng treo trên xe. Người đàn ông trạc tuổi ba Minh ngồi rũ rượi bên chiếc xe cà tang. Có lẽ ông đang suy nghĩ về chuyện sẽ nói với vợ của mình ra sao khi trở về ngôi nhà chỉ còn lại hai cha con.

Cuộc trò chuyện của Minh và thằng nhóc cũng ngưng tại đó. Minh ôm bọc đồ của mình, lục lọi trong đó còn mấy trăm nghìn đồng tiền tiết kiệm, đưa cho thằng nhóc, bảo nó dọc đường mua cái gì cho cha ăn, có vẻ cha mệt. Dù là cùng quê nhưng thằng nhóc ở tít mãi miền núi. Minh may mắn hơn ở miền xuôi, chạy xe qua thành phố là về tới nhà. Hai chị em chia tay nhau ở cầu Bến Thủy. Thằng nhỏ bịn rịn, ánh mắt như biết ơn, nhìn theo bóng gia đình Minh khuất dần.

***

Bảy ngày ở khu cách ly trôi qua nhanh hơn Minh nghĩ. Những ngày đầu hiu hắt là thế nhưng rồi ban ngày được ngồi trò chuyện với mọi người, chạy qua chạy lại chăm sóc đứa bé 5 tháng tuổi phụ mẹ nó, vậy là cuối cùng cũng tới ngày được về lại ngôi nhà. Đón Minh và ba mẹ là con Lu già lụ khụ. Nó vừa từ bên nhà bà nội chạy qua, khi nghe tiếng của em trai Minh ý ới ngoài cửa. Nhà bỏ hoang cả năm nay, rêu mọc đầy sân. Bao nhiêu cỏ um tùm trong vườn. Bà nội chống gậy, lập cập đi qua. Bước tới cửa nhà, nghe cái gì đó thân quen ùa về trong tâm thức. Là nó, ngôi nhà thuở ấu thơ, những ngày chập chững biết đi, cho tới khi rời nó để vào thành phố học. Bây giờ đã nghe tiếng lích rích của lũ mối. Mùi ẩm mốc xộc lên tận mũi. Kệ! Minh chạy ào vào ôm lấy nội, hít hà mùi trầu thoang thoảng. Nội nghẹn ngào:

- Về rồi, về về, an toàn rồi con ơi...

Ba mở cánh cổng, đi đến đâu con Lu lại lẽo đẽo theo đến đấy. Mẹ ngồi bên thềm, nhẹ nhàng đỡ nội ngồi xuống. Thằng em tíu tít, ôm lấy thân hình gầy gò, mòn mỏi chờ con mấy bữa nay của nội. Mấy bác và cậu mợ chắc sợ dịch bệnh nên cũng chẳng thấy qua. Chỉ thấy bác cả đứng bên thềm nói vọng:

- Bà qua xíu rồi về nhá, cơm con nấu sẵn rồi.

Nội xẵng giọng:

- Em út con cháu mi về mà mi không sang, nói vọng làm gì?

Minh nhìn nội, cầm lấy bàn tay nhăn nheo, giải thích cho nội nghe về dịch bệnh, về sự nguy hiểm của nó. Nghe xong, nội cũng gật gật, gù gù. Nhưng nội vẫn không chịu, nhăn mặt lầm bầm:

- Nhưng em về, không qua là không được.

Nội ngồi bên thềm, chờ ba mở cửa, dọn dẹp trong nhà. Nhìn thấy con, cháu an toàn trở về, nội mừng khấp khởi.

Có tiếng ai ngoài ngõ oang oang:

- Nhà Bình đâu rồi, cách ly xong rồi hử, có con gà đây, mang vào nấu cháo ăn cho lại sức.

Minh vội vàng chạy ra. Là bác Lam hàng xóm, người từng giúp đỡ nhà Minh trong những lúc khó khăn hoạn nạn. Khi Minh vào đại học, cần một khoản tiền lớn nộp học phí, mua máy tính, là bác Lam cho mượn. Khi mẹ ốm, đi bệnh viện, cũng là bác Lam chạy qua chạy lại, cho cái này, cái kia, tiền viện phí cũng được bác cho vay. Nhìn bác tất tả, lòng Minh rưng rưng đến lạ.

***

Hoàng hôn đổ xuống ngôi nhà ba gian, ánh điện bật lên. Bà nội vẫn ngồi ở ghế chăm chú nhìn gia đình Minh dọn dẹp. Bữa cơm chiều bưng lên, mùi thơm của thịt gà kho lá chanh, một nồi cháo được nấu riêng cho nội. Cả nhà quây quần...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm