Thêm nhiều học sinh bị ngất, la hét bất thường.

24/12/2017 - 14:35
Trong những ngày qua, nhiều học sinh của Trường Tiểu học Cư Pui 2 có những biểu hiện bất thường như ngất, la hét. Các bác sĩ nghi ngờ số học sinh này bị chứng rối loạn phân ly tập thể, căn bệnh mà 9 học sinh ở Nà Bản vừa mắc phải.
Ngày 24/12, ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, Sở Y tế vừa có báo cáo gửi Bộ Y tế về trường hợp các học sinh của trường Tiểu học Cư Pui II (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) có những biểu hiện lạ.
Trước đó, tại điểm trường Ea Lang của Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) một số học sinh có biểu hiện lạ như: Nói nhảm, quậy phá, la hét, chửi mắng. 

Tương tự, tại điểm trường Ea Lang và Ea Uôl của Trường Tiểu học Cư Pui 2 lại có thêm 5 nữ sinh khác cũng có triệu chứng tương tự.

Nhận được thông tin, Trung tâm Y tế dự phòng thành lập đoàn công tác đến xã Cư Pui để thăm khám cho các học sinh của trường này có triệu chứng lạ. Đồng thời, báo cáo lên Sở Y tế.

Ngay sau đó, Sở Y tế cũng đã cử Đoàn Công tác về xã Cư Pui để xác minh. Qua thăm khám, Đoàn công tác ghi nhận 6 trường hợp trên đều có biểu hiện rối loạn tập thể.

Tuy nhiên, để có kết quả chắc chắn, Sở Y tế gửi báo cáo về Bộ Y tế để điều tra nguyên nhân cụ thể và đưa ra hướng điều trị cho các em.
 
benh-la.jpg
Phụ huynh học sinh kể lại bất thường của con

 Theo thống kê, hiện có 6 em ở độ tuổi từ 10-13 mắc bệnh này. Bệnh thường xuất hiện bất ngờ và kéo dài từ 15 phút đến 3 giờ. Trong khoảng thời gian xuất hiện triệu chứng, các em hoàn toàn không kiểm soát được bản thân. Và sau khi "hết cơn", các em lại trở lại bình thường.

Trước đó, 9 học sinh tại điểm trường Nà Bản (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) cũng có những biểu hiện bị ngất, hung dữ khác thường,…Bộ Y tế đã cử đoàn kiểm tra lên Nà Bản để xác minh.

Các bác sĩ đã xác minh 9 em học sinh bị chứng rối loạn phân ly tập thể.

Chứng rối loạn phân ly là một nhóm các bệnh lý tâm thần thường gặp với tỷ lệ 0,3 – 0,5% dân số.
Khi bị chứng Rối loạn phân ly, bệnh nhân có biểu hiện rất đa dạng. Theo đó, có bệnh nhân bị rối loạn vận động như lắc đầu, gật đầu, co giật, múa vờn, run, tê liệt, vận động tay chân thiếu mục đích, rối loạn phát âm. Cũng có bệnh nhân bị rối loạn cảm giác với các biểu hiện thường kêu đau bụng, đau đầu, đau mỏi chân tay…

Để phòng bệnh, gia đình cần rèn luyện tính cách trẻ em ngay từ khi còn nhỏ. Phụ huynh hãy hướng dẫn trẻ biết thương yêu, chia sẻ, đương đầu với khó khăn;  Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý, giảm sức ép từ việc học tập. Gia đình, nhà trường và xã hội tăng cường giáo dục, quản lý con em mình, bồi dưỡng nhân cách, lối sống tốt đẹp, lành mạnh, tính đoàn kết, thân ái, tính tập thể, biết khắc phục khó khăn tránh các stress tâm lí trong sinh hoạt, học tập và công tác. Đồng thời, nhà trường cũng tăng cường các hoạt động ngoại khóa như: ca, múa, nhạc, đi dã ngoại, tập thể dục, chơi các môn thể thao và lao động tập thể.

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm