pnvnonline@phunuvietnam.vn
Theo bước chân mẹ cống hiến cho ngành điều dưỡng
Chị Trần Thị Phương Thảo
Không chỉ là một cán bộ giỏi chuyên môn với bề dày nhiều năm công tác, phụ trách ngành điều dưỡng, chị Trần Thị Phương Thảo còn được bầu làm Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh Long An. Tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược TP.HCM, năm 2004, chị chính thức gắn bó với nghề y. Và chỉ 4 năm sau, với sự tin tưởng của đồng nghiệp và lãnh đạo cấp trên, chị được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Điều dưỡng.
Đến năm 2017, chị được Sở Y tế tỉnh Long an tin tưởng giao nhiệm vụ chuyên viên của Phòng Nghiệp vụ y. Tại đây, chị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như quản lý công tác điều dưỡng, chăm sóc người bệnh; phụ trách kiểm soát nhiễm khuẩn ngành, nghiên cứu khoa học, y học cổ truyền; phục hồi chức năng, phòng chống dịch, quản lý chất lượng... Ngoài ra, chị còn tham gia Đoàn thẩm định hành nghề y tế tư nhân, là thành viên Ban Quản lý dự án đầu tư y tế cơ sở.
Khi được hỏi về việc gắn bó với nghề, chị Thảo chia sẻ, đó là sự ảnh hưởng từ gia đình. Bố mẹ chị là cán bộ hưu trí và là thương binh tỷ lệ thương tật 71% đang hưởng chế độ chất độc da cam. Mẹ chị từng là y tá thời chiến, chăm sóc rất nhiều thương binh, bà gắn bó với nghề y cho đến tuổi về hưu. Bởi vậy, chị luôn tâm niệm phải phấn đấu để tiếp nối truyền thống của gia đình.
Khi ra trường và bước chân vào ngành, chị có 14 năm làm trực tiếp ở Bệnh viện Nguyễn Văn Tuyên (tỉnh Long An) nơi mẹ chị công tác. Tại đây, chị gặp nhiều câu chuyện cảm động.
"Tôi nhớ nhất có 1 ngày trực cấp cứu nhận tới 4 ca sốt xuất huyết nặng, trong đó có 1 ca người bệnh có mạch huyết áp không đo được. Đứng trước tình huống đó, người điều dưỡng viên khó có thể bình tĩnh được. Tôi và một đồng nghiệp đã thức trắng đêm chạy như con thoi để canh chừng cho đến khi dấu sinh hiệu của người bệnh ổn định mới dám thở mạnh. Sau 4 ngày người bệnh xuất viện, nhìn nét mặt và người bệnh và người nhà bản thân, chúng tôi rất phấn khởi, cảm thấy những nỗ lực chăm sóc của mình không uổng phí", chị kể.
Giờ đây, khi đã là Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh Long An, chị càng dành nhiều tâm huyết hơn nữa cho ngành điều dưỡng. Ngoài làm tốt chuyên môn nghiệp vụ, chị còn nghiên cứu các sáng kiến khoa học để hỗ trợ công tác điều dưỡng tại tỉnh nhà.
Vừa qua, tại lễ "Tôn vinh Điều dưỡng viên tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch giai đoạn 2020-2023", câu chuyện về phòng, chống dịch Covid-19 của chị đã truyền cảm hứng cho nhiều người trong ngành.
Trong giai đoạn này, chị đã nghiên cứu sáng kiến "Một số giải pháp quản lý bệnh nhân Covid-19 (F0) tại cộng đồng và trong doanh nghiệp". Kết quả đã giúp các địa phương dễ dàng thực hiện khi phát hiện các trường hợp dương tính với SARS-COV-2, giúp cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp tục hoạt động trong đại dịch. Người bệnh được quản lý và điều trị kịp thời và hạn chế tử vong.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tại tỉnh Long An, bản thân quản lý công tác điều dưỡng, chăm sóc người bệnh, phụ trách kiểm soát nhiễm khuẩn ngành tại Sở Y tế, chị nhận thấy đây là lúc phải thực hiện nhiệm vụ hết sức quan trọng liên quan đến công tác mình đang quản lý.
Lúc đó chị tranh thủ mọi lúc mọi nơi tham mưu Lãnh đạo phòng và Ban Giám đốc các nhiệm vụ quan trọng về phòng chống lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng cũng như trong khu cách ly hay cơ sở khám chữa bệnh cũng như công tác chăm sóc người bệnh Covid-19. Tham mưu văn bản chỉ đạo, tổ chức tập huấn kiểm soát nhiễm khuẩn, xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát tại các khu cách ly và bệnh viện dã chiến.
Thành tích chị Trần Thị Phương Thảo đạt được:
- Năm 2017: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ "Đã có thành tích trong công tác từ năm 2011- 2015"
- Năm 2023: Bằng khen Hiệp Hội Điều dưỡng Việt Nam "Đã có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển Hiệp Hội Điều dưỡng Việt Nam, giai đoạn 2018-2023" cùng nhiều bằng khen khác.
Đến lúc dịch bùng phát dữ dội, chị cùng Giám đốc Sở Y tế kích hoạt từng bệnh viện dã chiến để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19. "Vừa kích hoạt xong 1 bệnh viện là bệnh nhân đầy giường, chúng tôi cứ thế kích hoạt thành lập lên đến 31 bệnh viện dã chiến trong toàn tỉnh", chị Thảo cho biết.
Mặc dù không trực tiếp chăm sóc người bệnh nhiễm Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến nhưng bản thân chị có nhiều nỗ lực, nhiều đóng góp cho cuộc chiến chống dịch trên địa bàn tỉnh Long An. Đó là một khoảng thời gian không thể diễn tả bằng lời, chỉ biết rằng bản thân chị phải cố gắng để làm sao có thể cùng toàn xã hội, toàn dân đẩy lùi dịch Covid-19, nỗ lực để hạn chế xảy ra những câu chuyện đau buồn do đại dịch gây ra.
Với những cống hiến không ngừng nghỉ, nhiều năm liền chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp; nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của tỉnh Long An. Đặc biệt, đến nay khi dịch Covid-19 đã lùi xa, nhưng những "chiến công thầm lặng" của chị vẫn được ngành y tế tỉnh ghi nhận và tôn vinh.