"Thi đua là yêu nước - Gửi những mùa sau" - Một chương trình nghệ thuật mang tính sử thi và tạo cảm xúc

Trường Hùng
09/12/2020 - 21:59
"Thi đua là yêu nước - Gửi những mùa sau" -  Một chương trình nghệ thuật mang tính sử thi và tạo cảm xúc

Chương trình chính luận nghệ thuật “Thi đua yêu nước - Gửi những mùa sau”. Ảnh: VTV

Chia sẻ trước ngày diễn ra chương trình chính luận nghệ thuật “Thi đua yêu nước - Gửi những mùa sau”, nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng Ban Sản xuất các chương trình giải trí của Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, “Chương trình tái hiện lại truyền thống đấu tranh của cách mạng trong 75 năm và đặc biệt kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Với ý nghĩa đó, đây là một chương trình nghệ thuật mang tính sử thi và tạo nhiều cảm xúc, nhất là trong dịp diễn ra Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X”.

Từ 20 - 22h tối nay (9/12), tại Cung Thể thao Điền kinh Hà Nội (đường Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm) đã diễn ra chương trình chính luận nghệ thuật với chủ đề "Thi đua là yêu nước - Gửi những mùa sau", được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Đến dự chương trình có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; ... cùng với 2.020 đại biểu - là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước trên khắp cả nước.

Chương trình có sự tham của các nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ được công chúng yêu mến (Trọng Tấn, Tự Long, Đào Tố Loan, Thanh Lam, Khánh Linh, Phạm Thu Hà, Hoàng Quyên, Trung Dũng…). Cùng với những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân, Hồ Bắc, Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân, Văn Chung, Nguyễn Ngọc Thiện, Huy Thục, Trần Tiến...

Theo chia sẻ của nhà báo Tạ Bích Loan, chương trình được lấy cảm hứng từ những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu - "Nếu được làm hạt giống để mùa sau/ Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa/ Vui gì hơn làm người lính đi đầu/ Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa!" (Chào xuân 67) và của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - "Có biết bao người con gái, con trai/ Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi/ Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước" (Đất nước).

"Thi đua là yêu nước - Gửi những mùa sau" -  Một chương trình nghệ thuật mang tính sử thi và tạo cảm xúc - Ảnh 1.

Nhà báo Tạ Bích Loan, Trường Ban Sản xuất các chương trình giải trí, Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ về chương trình tại buổi họp báo

Những vần thơ đã đưa người xem nhớ về năm đầu nước nhà mới giành được độc lập (1945). Ngân khố quốc gia trống rỗng, hậu quả của nạn đói cuối năm 1944 - đầu năm 1945 khiến hơn 2 triệu người chết đói, đê vỡ gây lũ lụt ở 9 tỉnh Bắc Bộ, ruộng đất bỏ hoang, cùng với thế thù trong giặc ngoài với dã tâm xâm chiếm đất nước ta một lần nữa… đẩy đất nước đứng trước tình thế "nghìn cân treo sợi tóc".

Để thoát khỏi hiểm cảnh này, Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu nhận thấy cần phát huy sức mạnh tinh thần to lớn trong nhân dân, dựa vào dân để chống 3 loại giặc – giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Bởi vậy chỉ ít ngày sau khi chính quyền cách mạng non trẻ được thành lập, Người đã kêu gọi nhân dân cả nước "nhường cơm sẻ áo". Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, nhân dân cả nước đã thành lập "Hũ gạo cứu đói", tổ chức "Ngày đồng tâm"…. Nhờ vậy, nạn đói nhanh chóng được đẩy lùi.

Giải quyết vấn đề giặc dốt, ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh thành lập "Nha bình dân học vụ" - cơ quan chuyên trách chống giặc dốt, từ tháng 9/1945 - 9/1946, trên toàn quốc tổ chức gần 76.000 lớp học, xóa mù chữ cho hơn 2,5 triệu người.

Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng "Quỹ độc lập", Chính phủ đã phát động phong trào "Tuần lễ vàng". Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được 370kg vàng và hơn 60 triệu đồng.

Đặc biệt, kể từ ngày 11/6/1948, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", phong trào "Thi đua yêu nước" với những đóng góp quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, sự nghiệp đổi mới và cả trong thời đại ngày nay đã được phát động.

"Thi đua là yêu nước - Gửi những mùa sau" -  Một chương trình nghệ thuật mang tính sử thi và tạo cảm xúc - Ảnh 2.

Một hoạt cảnh trong chương trình “Thi đua yêu nước - Gửi những mùa sau”. Ảnh: VTV

Trong suốt hành trình đó, đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trong chiến đấu, trong lao động sản xuất có đóng góp thiết thực trong công cuộc thống nhất và phát triển đất nước. Họ là những anh hùng đã từng được biết đến nhưng cũng có những người chúng ta chưa từng được biết đến. Tuy nhiên, những hy sinh thầm lặng của những thế hệ đi trước sẽ luôn đồng hành và trở thành giá trị tinh thần, di sản quý báu cho những thế hệ sau.

"Chương trình với những tác phẩm nghệ thuật độc đáo sẽ góp nên một cảm hứng hết sức sâu sắc – biết ơn truyền thống, sự hy sinh vô cùng quý báu của các hế hệ đi trước. Qua đó hun đúc sự quyết tâm, khát vọng xây dựng đất nước, một cơ đồ Việt Nam cho thế hệ của ngày hôm nay - cần làm gì để có thể tiếp tục tiếp nối những mùa sau, những thế hệ mai sau" - nhà báo Tạ Bích Loan bộc bạch.

8h, sáng mai (10/12), Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X sẽ chính thức được khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm