Thị trường quà Tết trầm lắng, nữ doanh nhân “bắt tay” tung chiêu tiêu thụ sản phẩm

Trần Lê
09/01/2024 - 13:03
Thị trường quà Tết trầm lắng, nữ doanh nhân “bắt tay” tung chiêu tiêu thụ sản phẩm

Đa dạng các món quà Tết được giới thiệu đến khách hàng

Để đối phó với sức mua giảm sút trong khi dịp Tết đã cận kề, các doanh nghiệp sản xuất, các nữ doanh nghiệp tạo tác động xã hội (Social Impact Business) đã cùng tập hợp nhau lại để có thể tạo nên lợi thế kinh doanh trong lĩnh vực quà tặng Tết Giáp Thìn.

"Theo tôi, thị trường quà Tết năm nay có vẻ trầm lắng hơn so với những năm trước do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, theo truyền thống Á Đông, dịp Tết nguyên đán vẫn là một dịp đặc biệt để mỗi người trao gửi tình cảm, tri ân và thể hiện sự trân quý tới các mối quan hệ nên các món quà Tết vẫn sẽ được quan tâm, số lượng có thể giảm rất ít, nhưng thiên hướng các sét quà sẽ có chút thay đổi. Một bộ phận người tiêu dùng sẽ chú trọng vào tính thực tế, giá trị sử dụng của các món quà hơn là vẻ bề ngoài hay độ xa hoa, đẹp đẽ. Qua nhiều năm, mọi người cũng đã có những nhận định, am hiểu tốt hơn về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để chọn quà Tết chất lượng hơn", chị Lê Hồng Vân (CEO công ty JOY VN, trụ sở tại tỉnh Bắc Giang) cho biết.

Thị trường quà Tết trầm lắng, nữ doanh nhân “bắt tay” tung chiêu tiêu thụ sản phẩm - Ảnh 1.

Đa dạng các món quà Tết được giới thiệu đến khách hàng

Nhận định, dịp tết Giáp Thìn 2024, thị trường quà Tết có thể không giảm về số lượng, nhưng giảm về ngân sách nhiều nữ doanh nhân đã có những bước chuyển về chiến lược kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ tập trung cho các sản phẩm thiết thực, giá trị sử dụng cao, tốt cho sức khỏe, ưu tiên đặc sản vùng miền đặc sắc; các bộ quà Tết tập trung ở phân khúc từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng và chi phần lớn cho các món quà liên quan tới sức khỏe, các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm thiết thực dùng cho ngày Tết… 

Đồng hành chinh phục thị trường quà tặng Tết

Chị Lê Hồng Vân thông tin thêm: Nhìn ra đặc điểm của thị trường Tết năm nay, chúng tôi, các doanh nghiệp sản xuất, các nữ doanh nghiệp được gọi là SIBs ( doanh nghiệp tạo tác động xã hội – Social Impact Business) đã cùng tập hợp nhau lại để có thể tạo nên lợi thế kinh doanh.

"Chúng tôi đều là các doanh nghiệp sản xuất và có rất nhiều sản phẩm phù hợp để làm quà Tết, nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe. Vì vậy, chúng tôi quyết định đồng hành, hợp tác cùng nhau để tạo nên các set quà Tết ý nghĩa và phù hợp với nhu cầu thị trường năm nay. Khi chúng tôi cùng làm các set quà, chúng tôi có rất nhiều ưu thế, trước tiên là về giá vốn và chính sách. Mỗi bên đều không cần phải nhập nhiều sản phẩm từ các bên về mà vẫn có các set quà phong phú để cùng nhau kinh doanh, giảm rủi ro về tồn hàng và đọng vốn. 

Ngoài ra, chúng tôi còn chia sẻ tệp khách hàng cho nhau, dưới hình thức bán set quà, tương tự như bán một combo, chúng tôi giới thiệu và bán được nhiều sản phẩm của các thành viên hơn tới các khách hàng đã biết tới một trong các thành viên của mạng lưới", chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại và dịch vụ Hichagol) chia sẻ.

Thị trường quà Tết trầm lắng, nữ doanh nhân “bắt tay” tung chiêu tiêu thụ sản phẩm - Ảnh 2.
Thị trường quà Tết trầm lắng, nữ doanh nhân “bắt tay” tung chiêu tiêu thụ sản phẩm - Ảnh 3.
Thị trường quà Tết trầm lắng, nữ doanh nhân “bắt tay” tung chiêu tiêu thụ sản phẩm - Ảnh 4.

Các set quà Tết được đầu tư, chăm chút về chất lượng và mẫu mã

Tới nay, bộ sưu tập các set quà là sự kết hợp của các doanh nghiệp nữ chủ, doanh nghiệp tạo tác động khắp Bắc – Trung – Nam. Những doanh nhân cũng đã cùng nhau tập hợp các các tài liệu, ảnh chụp và nội dung đầy đủ để sẵn sàng quảng bá rộng và đẩy mạnh doanh số bán hàng.

Tùy theo nhu cầu, người tiêu dùng có thể lựa chọn nhiều loại thực phẩm, nông sản, đặc sản Tết của các vùng miền từ gạo, chè lam, long nhãn, đến các loại hạt như hạt điều, macca, các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe: sâm, tỏi đen, gạo lứt; các món đồ uống, đồ khô, sản phẩm thời trang, làm đẹp…

"Với sự hợp tác này, chúng tôi tin tưởng hơn vào sức mạnh của tập thể, của mạng lưới; mở ra một hướng đi tươi sáng cho các thành viên trong cộng đồng. Chúng tôi cùng nhìn ra một số cơ hội từ sự hợp tác này, ví dụ hiện tại chúng tôi đồng hành cung cấp, tạo nên gói sản phẩm, dịch vụ tiệc trà cho các sự kiện, hội thảo. Các thành viên đã rất phấn khởi vì đó cũng là một hướng đi đầy tiềm năng. Và điều khiến chúng tôi vui nhất, đó là khách hàng được giới thiệu thì có niềm tin rất lớn vào sản phẩm, chất lượng của các set quà. Sự an tâm của khách hàng chắc chắn là hạnh phúc của chúng tôi", chị Nguyễn Thị Minh Thuỳ (HTX Lục Ngạn Xanh, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) nhấn mạnh.

Thị trường quà Tết trầm lắng, nữ doanh nhân “bắt tay” tung chiêu tiêu thụ sản phẩm - Ảnh 5.

Sản phẩm được quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng

"Dấn thân" livestream bán hàng

Bên cạnh các hình thức quảng bá, bán hàng truyền thống, livestream là cách các nữ doanh nhân lựa chọn để tiếp cận gần hơn với khách hàng, đặc biệt là thế hệ trẻ với thói quen tiêu dùng hiện đại.

Chị Lê Hồng Vân chia sẻ: "Sau rất nhiều thời gian chần chừ, cuối cùng tôi mới quyết định sẽ trực tiếp livestream bán hàng. Vì tôi nghĩ, đến mình còn ngại, còn lảng tránh việc cần làm thì ai sẽ nhận lấy đây. Tôi cũng biết để bắt đầu thì có rất nhiều rào cản, nhưng bước qua rồi thì mọi thứ không còn "đáng sợ" như mình nghĩ, và điều này tạo cảm hứng cho các bạn nhân viên hơn nhiều. 

Về livestream, bán hàng trực tuyến, tôi xác định đó là một bước đi cần phải có. Nhu cầu được nhìn thấy sản phẩm một các chân thực nhất, được tương tác, giải đáp ngay các thắc mắc, lăn tăn về sản phẩm với người bán là cực kỳ chính đáng và hợp lý cũng như ngày càng tăng. Bán hàng trực tuyến qua hình thức livestream giải quyết được vấn đề đó, vì vậy đây là việc cần phải làm và cực kỳ tiềm năng. Hiện nay, các nền tảng cho phép livestream bán hàng cũng rất phong phú, từ Shopee, Facebook đến Tiktok,… nên cơ hội để người kinh doanh tiếp cận với khách hàng mục tiêu là rất nhiều và từ đó có thể gia tăng doanh số nhanh hơn cách làm cũ".

Thực hiện việc bán hàng trực tiếp một các thường xuyên, đều đặn, tìm ra phương pháp đúng, phù hợp, hiệu quả để tương lai rút ngắn hết cỡ con đường từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, giảm bớt chi phí và tạo sự thấu hiểu cao hơn giữa hai nhóm. Đó là cách những nữ doanh nhân như chị Lê Hồng Vân đang thực hiện, với mong muốn xây dựng được một đội nhóm bán hàng trực tuyến thành thục và trong năm 2024, tăng doanh số kinh doanh online lên chiếm 40-50% doanh số của công ty.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm