pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thi vào lớp 10 Hà Nội: Đề dễ thì cạnh tranh điểm càng khốc liệt
Ảnh minh họa
Tinh giản đề, giảm môn thi vẫn không hết lo
Năm nay là một năm đáng nhớ của Nguyễn Hà Dương - học sinh lớp 9 trường THCS Nghĩa Tân (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) khi mọi kế hoạch ôn tập của em dường như bị xáo trộn đáng kể do ảnh hưởng của Covid-19. Nữ sinh này có học lực khá, mục tiêu của em là trường THPT Nguyễn Tất Thành hoặc THPT Yên Hòa. Đây đều là những trường thuộc tốp đầu trong đường đua vào lớp 10 sắp tới của học sinh lớp 9 Hà Nội. Dù được biết sẽ giảm môn thi thứ tư, kỳ thi còn lại ba môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh song với Dương, áp lực trong cuộc đua không hề giảm. Em cho rằng đề dễ thì việc cạnh tranh càng "khốc liệt" đến từng phân điểm nhỏ.
"Việc ôn tập của em cũng phải điều chỉnh đáng kể, tập trung hơn vào việc luyện đề mang tính phân hóa để có thể lấy điểm cao cho các nguyện vọng của mình. Em hi vọng đề thi dù nhẹ hơn về kiến thức, song vẫn có thể đảm bảo phân hóa để học sinh có học lực tốt có cơ hội thể hiện và được tuyển lựa vào các trường mà mình lựa chọn một cách tốt nhất" - Dương chia sẻ.
Còn với chị Thảo Nguyên (Q.Ba Đình, Hà Nội), phụ huynh có con trai thi vào lớp 10 năm nay, việc ôn luyện sau mùa dịch gấp rút hơn do các con phải "dồn toa", vừa ôn luyện nâng cao vừa hệ thống lại kiến thức đã học trực tuyến trong thời gian nghỉ tránh dịch. "Nhìn các con học hành vất vả, bố mẹ nào cũng xót. Con tôi hôm nào cũng đến 11h đêm, lo lắng nhiều. Việc giảm đi được một phần áp lực trong thi cử, sẽ khiến tâm lý con thoải mái hơn" – chị Nguyên cho biết.
Để giúp thí sinh giảm áp lực, Sở GD&ĐT Hà Nội sớm đưa ra những định hướng trong việc ra đề thi và phạm vi ôn tập. Học sinh tham dự sẽ làm 3 bài thi Toán, Văn, Ngoại ngữ - giảm 1 môn thi so với năm ngoái. Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình trung học cơ sở hiện hành, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS. Đề thi được xây dựng dựa trên cơ sở bám sát chỉ đạo về điều chỉnh tinh giản kiến thức, kỹ năng theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung "không dạy", "không làm", không thực hiện", "khuyến khích học sinh tự học, tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện".
Ôn thi đúng phương pháp mùa "nước rút"
Trong giai đoạn "nước rút" khi kỳ thi chỉ còn cách chưa đầy 2 tháng, việc ôn thi đúng phương pháp, tránh dồn "toa" mệt mỏi cho cả mẹ lẫn con là điều được nhiều thầy cô giáo lưu ý. Theo đó, lời khuyên đưa ra cho sĩ tử là chủ động vạch ra kế hoạch cho từng tuần, từng tháng, từng giai đoạn ôn thi. Ví dụ trong tháng 5 này, song song với việc học trên lớp, hãy bắt đầu lộ trình ôn tập hết các tác phẩm văn học của học kì I - lớp 9, sau đó chia ra mỗi tuần học 2-3 tác phẩm và các đề thi liên quan. Chỉ sau một tháng, kiến thức chắc chắn sẽ được củng cố và đến sát ngày thi, học sinh chỉ cần mở lại và đọc qua 1-2 lần là có thể dễ dàng ghi nhớ.
Để đạt kết quả cao, các em cần lưu ý cần giữ gìn và đảm bảo sức khỏe tốt nhất, ăn uống nghỉ ngơi phù hợp. Cần học thật chắc các kiến thức cơ bản. Học sinh ôn tập thật kỹ các dạng bài tập khó trong học kì I. Đặc biệt cần bám sát đề thi tham khảo của Sở GD&ĐT Hà Nội để xây dựng kế hoạch học tập cho hợp lý. Các em cũng nên dành thời gian ôn tập lại toàn bộ kiến thức đã học, tập trung luyện đề và rèn kỹ năng làm bài thi”.
Cô Phùng Hồng Điệp, giáo viên tiếng Anh trường THCS Ngô Quyền, Hà Nội
Việc tổ chức và sắp xếp thời gian cho từng môn học nhằm đảm bảo ôn đúng trọng tâm cũng là điều cần lưu tâm. Phương pháp ôn thi được xem là chìa khoá, nếu cách học truyền thống không hiệu quả thì đừng ngần ngại tìm đến những phương pháp mới. Lời khuyên được đưa ra là vẫn có thể áp dụng song song ôn thi truyền thống lẫn ôn trực tuyến, bởi ưu điểm của phương pháp này là có thể ôn tập ở mọi lúc, mọi nơi chỉ cần có kết nối internet, đồng thời kiến thức, bài giảng và các đề kiểm tra cũng được cập nhật thường xuyên, đảm bảo học sinh sẽ được tiếp cận với nhiều dạng bài tập khác nhau.