Thi vào lớp 10: Học ngày "cày" đêm vẫn chất chồng lo lắng

27/12/2017 - 16:06
Phương án thi vào lớp 10 tại Hà Nội vừa được Sở GD&ĐT khẳng định sẽ giữ nguyên như các mùa thi trước. Tuy nhiên, lượng học sinh “dê vàng” tăng đột biến khiến các sĩ tử đang lo ngay ngáy trước việc tăng tỉ lệ chọi tại các trường công lập tốp đầu.

Học ngày, “cày” đêm

Cách ví von này không sai chút nào với các học sinh lớp 9 năm nay tại Hà Nội khi bắt đầu bước vào giai đoạn nước rút của kỳ thi chuyển cấp. Chưa năm nào, kỳ thi bắt đầu “nóng” sớm như năm nay khi lượng học sinh tăng đột biết - thêm 24.000 em so với năm ngoái. Điều này đồng nghĩa với việc “cuộc chiến” vào THPT công lập tại Thủ đô sẽ khốc liệt hơn khi vốn dĩ đây luôn là kỳ thi căng thẳng hơn cả thi vào đại học.

Đào Phương Anh - học sinh lớp 9 trường THCS Thanh Trì khi nhắc đến kỳ thi đã tỏ ra lo lắng. Việc “học ngày cày đêm” đã được nữ sinh áp dụng ngay từ đầu năm học lớp 9 chứ không chờ đến tận bây giờ. Thậm chí, em còn từ chối vào đội tuyển toán cấp thành phố dù được gọi vào, chỉ để tập trung ôn thi vào lớp 10.

“Áp lực của em rất nhiều, thứ nhất trường em là “trường làng”, điều kiện học và ôn tập sẽ không thể bằng các bạn ở phố. Vì vậy, em luôn xác định là phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba so với những người khác may ra mới có một “chân” vào THPT Thăng Long”- Phương Anh chia sẻ.

Ngoài giờ học ở trường kín cả ngày, Phương Anh có 4 buổi tối trong tuần đi học thêm hai môn Văn và Toán. Về đến nhà vào 9h tối, lúc đó Phương Anh mới ăn cơm. Em có một tiếng đồng hồ để nghỉ ngơi, thư giãn, sau đó từ 10h tối trở đi, nữ sinh tiếp tục ôn bài. Việc học đến 1 - 2h sáng là chuyện như cơm bữa với em. Mọi việc nhà đều được bố mẹ miễn, để con gái toàn tâm với việc học.

Học ngày học đêm vẫn chất chồng lo lắng là tâm trạng chung của nhiều học sinh lớp 9 năm nay. Ảnh minh họa

Cũng giống như Phương Anh, cuộc sống hiện tại của Nguyễn Thị Minh Thư- trường THCS Vĩnh Tuy, chỉ học và học. Để đỡ mất công đi lại, bố mẹ Thư thuê gia sư về nhà dạy kèm cho con. Hiện đã làm được khoảng 60% đề thi nhưng nữ sinh này không vì thế mà lơ là việc ôn tập.

“Tỉ lệ chọi năm nay cao chính vì vậy, từ đầu năm học bố mẹ đã không cho em đi học thêm các môn năng khiếu, em tập trung toàn bộ thời gian để học hai môn Toán, Văn. Vì bố mẹ bận nên em chuyển về nhà ông bà ở cùng để ông bà có thể hỗ trợ ăn uống cũng như đưa đón những hôm đi học về muộn” - Minh Thư chia sẻ.

Ngoài việc học với gia sư, Thư còn tham gia các buổi học nhóm để tăng cường kỹ năng làm bài. Nhóm học của Thư hiện tại đều ngóng nhất là hai thứ: Bộ đề minh họa của Sở GD&ĐT và thông tin cụ thể về tỉ lệ chọi để còn “liệu cơm gắp mắm”.

Tăng học sinh, sĩ số lớp sẽ tăng

Trước lo lắng cửa vào THPT ngày càng hẹp khi năm nay lượng học sinh tăng đột biến, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội đã có những thông tin ban đầu xung quanh kỳ thi.

Ngành giáo dục thành phố đang nỗ lực để đảm bảo năm học 2018-2019, khoảng 62% học sinh được học tại các trường công lập. Thành phố vẫn duy trì việc tuyển sinh vào lớp 10 công lập không chuyên bằng hình thức thi kết hợp với xét tuyển học bạ. Vẫn sẽ có một kỳ thi chung với hai môn thi Ngữ văn và Toán.

Học sinh có nguyện vọng thi vào lớp chuyên của 4 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An, Sơn Tây thi thêm môn Ngoại ngữ và các môn chuyên.

Ông Phạm Văn Đại- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, không có chuyện học sinh phải thi thêm môn thứ 3 là ngoại ngữ như thông tin đang lan truyền trên mạng. Tuyển sinh năm 2018 vẫn giữ nguyên như năm 2017, bất cứ sự thay đổi nào cũng sẽ được thông báo sớm để học sinh và phụ huynh chủ động.

“Theo quy định, khoảng tháng 3 hằng năm sẽ công bố phương án thi chính thức và đồng thời sẽ công bố dự kiến phương án thi năm tới”- ông Đại thông tin.

Liên quan đến việc tăng lượng học sinh do tăng dân số cơ học năm “dê vàng”, ông Phạm Văn Đại cho hay, Sở GD&ĐT đang lên các phương án để đảm bảo đúng tỉ lệ học sinh được học trường công lập như dự kiến.

“Dự kiến năm tới, sĩ số lớp học sẽ tăng bằng với quy định chung là 45 học sinh/lớp thay vì sĩ số lớp thấp hơn như trước. Sở cũng đang thực hiện việc rà soát mạng lưới các trường học theo yêu cầu của UBND thành phố để có cơ sở bổ sung, xây mới, đáp ứng nhu cầu học tập”- ông Phạm Văn Đại nói.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm