“Thiền đã thay đổi cuộc đời tôi”

Ngọc Hoa (ghi)
25/07/2022 - 23:11
“Thiền đã thay đổi cuộc đời tôi”
“Từ khi thực hành thiền, tôi tập được cách thông cảm cho chính mình và người khác, bớt sự cầu toàn, bớt sự tỉ mỉ. Mình vẫn làm mọi thứ trong khả năng tốt nhất của bản thân nhưng bớt sự phán xét đi” - đó là lợi ích của thiền mang lại cho chị Huỳnh Hoài Thanh, TP Hội An, Quảng Nam.

Chị Thanh kể: "Nếu không tham dự khóa thiền vào năm ngoái thì đến giờ, tôi cũng không biết mình đi đâu, về đâu. Tôi sống và làm việc ở TPHCM được hơn 13 năm và nghĩ sẽ chẳng bao giờ mình rời nơi này.

Song, công việc tốt, lương cao ở một tập đoàn bất động sản vẫn không mang lại cho tôi cảm thấy hạnh phúc. Nhưng tôi không biết phải bắt đầu thay đổi từ đâu.

Tình cờ tôi được giới thiệu đến với thiền Vipassana. Thiền Vipassana là thiền nguyên thủy của Đức Phật. Đăng ký đi thiền Vipassana ở Thiền Viện Pháp Sơn (Đồng Nai), tôi đã có 12 ngày trải nghiệm. Ở đây, mỗi người sẽ thực hiện giới định tuệ, nghĩa là sẽ không tiếp xúc với người khác, kể cả nói, nhìn, đụng chạm, mình chỉ dành thời gian đó cho chính bản thân mà thôi. Từ lúc đó, tôi mới biết được thiền Vipassana là như thế nào. Nói chung đó là một khóa tu tập khá nghiêm ngặt và đã có nhiều người bỏ cuộc. Tôi đã chứng kiến những sự kỳ diệu của thiền tập rồi. Chính thiền đã làm thay đổi cuộc đời của tôi. Khi đi thiền về, tôi bắt đầu dần dần gỡ bỏ được những nút thắt ở trong lòng, cảm thấy những cái gọi là cuộc sống xa hoa mình đang tìm kiếm ở bên ngoài không quá quan trọng nữa.

“Thiền đã thay đổi cuộc đời tôi” - Ảnh 1.

Chị Huỳnh Hoài Thanh

Chấp nhận bản thân không hoàn hảo

Tôi quyết định rời TPHCM, đến với công việc mới ở Hội An và tiếp tục tham gia 1 khóa thiền nữa. Khi thiền 2 khóa liên tục như vậy, lúc về nhà tôi chỉ thực tập được thời gian đầu thôi, dần dần về sau không chăm chỉ được như ở trong thiền viện. Rồi tôi nhận ra rằng thiền cần thực hành hằng ngày chứ không phải lâu lâu mình mới thiền. Nếu thiền một mình thì mình hay lười, mình không có động lực để thiền, song khi mình có đại chúng - những người thực hành thiền cùng mình hằng ngày thì sẽ có động lực hơn.

Mỗi buối sáng, tôi sẽ đến thiền cùng mọi người vào lúc 5h rưỡi. Lúc này, tôi mới cảm thấy được những giá trị mà thiền mang lại. Tôi trở nên điềm tĩnh, suy nghĩ thấu đáo hơn và nhận ra mình có những ưu khuyết gì, mình học được cách chấp nhận bản thân ở những mặt không hoàn hảo.

Khi mình chấp nhận bản thân không có sự hoàn hảo thì mình cũng học được cách chấp nhận người khác không có sự hoàn hảo, khi học chấp nhận được như vậy thì mình không còn đánh giá người khác quá vội vàng. Với thiền, tôi học được cách khi có chuyện gì xảy ra thì việc đầu tiên là hít vào, sau đó thở ra, giúp cho tâm của mình lặng lại, không sôi sục nữa, rồi nhìn nhận vấn đề. Từ đó học được cách thông cảm cho người khác, bớt sự cầu toàn, bớt sự tỉ mỉ. Mình vẫn làm mọi thứ trong khả năng tốt nhất của mình nhưng bớt sự phán xét đi. Đó là cái lợi ích của việc thiền mang lại.

Lợi ích tiếp theo từ khi thiền là sáng tôi dậy sớm, có rất nhiều thời gian dành cho bản thân, rồi cho chó mèo ăn, tưới cây, dọn dẹp nhà cửa, ăn sáng, đi làm... Một ngày cũng vẫn là 24h thôi nhưng cảm thấy một ngày của mình bắt đầu có ý nghĩa.

Thực hành thiền thường xuyên, tôi nhận ra: Không phải ngồi yên mới gọi là thiền, mà thiền ở trong từng hành động của mình, ý thức được điều mình đang làm, tức là mình có tuệ giác khi mình làm thì cái đó gọi là thiền. Ví dụ, khi ăn, mình cắn một miếng, thấy ngon, cảm nhận được thức ăn kết tinh từ những người nông dân, từ đất mẹ, từ nước, gió, lửa, từ rất nhiều thứ..., thì mình sẽ ăn trong niềm vui và biết ơn những gì mình có, đó cũng chính là thiền. Trong cuộc sống, mình tập trung cho một việc nào đó thì cũng chính là thiền. Khi mình bước chân xuống cầu thang, mình biết chân bước vững chắc, không lung tung, không vội vàng thì đó là thiền. Đặc biệt, khi mình nấu ăn, mình thiền, mình biết mình đang cắt rau củ, mình đang cắt thịt, mình đang nấu bằng tâm yêu thương chẳng hạn, cho chính bản thân và cho người thân gia đình của mình thì đó cũng chính là thiền.

Thiền đúng cách

Thiền mang lại nhiều lợi ích nhưng khi bắt đầu, mình phải biết được đâu là cách thiền đúng đắn. Nếu nghĩ thiền là ngồi yên một chỗ bất động, ngồi chân bắt chéo rồi hít vào thở ra trong vòng nửa tiếng đến một tiếng thì thật sự rất khó để thực hành thiền thường xuyên. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rào cản đầu tiên là mình thấy có quá nhiều trường phái thiền nên khi mới bắt đầu sẽ không khỏi băn khoăn và lo lắng liệu mình có phù hợp không? Khi vào thiền rồi thì lại băn khoăn không biết mình thực hành như vậy có đúng không, có khoa học hay không? Tiếp theo là khi thiền, mình có đạt được kết quả gì hay không?

"Thiền có nhiều dạng khác nhau nhưng đối với tôi, thiền là sự tập trung hết sức của mình khi làm một việc gì đó", chị Huỳnh Hoài Thanh.

Nhiều người khi thiền sẽ trông đợi thiền là một phương cách nhiệm màu nào đó để thay đổi cuộc sống nhưng bản thân tôi thì nghĩ thiền là một phương pháp giúp cho mình định thân và định tâm.

Nếu bạn đang chuẩn bị hành trang để thực hành thiền, việc đầu tiên bạn nên làm là nghiên cứu, mình lựa chọn phương pháp thiền nào mình cảm thấy thú vị, hợp với mình nhất. Thứ 2 là nên có một hội nhóm cùng sinh hoạt chung với nhau. Thiền chung với nhau thì mình mới có sự siêng năng tập luyện, rồi mình mới tu tập được, còn không thì mình sẽ lười nhác. Thứ 3 là cố gắng tìm được người thầy, người hướng dẫn thiền cho mình đúng phương pháp. Cuối cùng là mình cần chuẩn bị một tâm thế về việc sống có ích hơn, phải thay đổi bản thân mình, thiền sẽ giúp cho mình nhận ra cái sai của mình để thay đổi bản thân. Nếu nghĩ mục đích chính của mình là làm cho thân tâm an lạc, mình sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, vui vẻ và sống hạnh phúc".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm