Thiên thần báo thù cho anh hùng Che Guevara

30/09/2017 - 16:11
Cho dù vượt qua nửa vòng trái đất đến ẩn náu tại nước Đức xa xôi nhưng kẻ ra lệnh giết chết Che Guevara tại Bolivia vẫn không tránh được cái chết. Thiên thần báo thù cho Che Guevara là ai ?
Cô gái Đức và lời thề báo thù

Ngay cả ở Tây Đức, hắn cũng không cảm thấy an toàn, cho dù trong vai một nhà ngoại giao nên hắn luôn nghi ngờ như Tào Tháo và luôn cảnh giác. Tuy nhiên, ngày 1/4/1971, "hệ thống cảnh báo" của hắn đã hoàn toàn vô dụng.

Hôm đó, Roberto Quintanilla Pereira, Tổng lãnh sự Bolivia ở Hamburg, vô tư tiếp một phụ nữ trẻ tóc vàng, đầy hấp dẫn, đến hỏi về thị thực. Người phụ nữ theo Quintanilla vào phòng làm việc của hắn. Đột nhiên chị rút súng từ túi xách bắn 3 phát vào ngực Pereira.
thien-than-bao-thu-cua-che-guevara-1.jpg
Fidel Castro (bìa trái) và Che Guevara trong cuộc duyệt binh ngày 21/8/1960

Vết đạn trên ngực viên Tổng lãnh sự tạo thành một hình chữ V có nghĩa là "Victory". Tại hiện trường, cảnh sát tìm thấy một mảnh giấy viết: "Chiến thắng hay là chết!" – khẩu hiệu của quân du kích Bolivia.

Những chi tiết đầu tiên về vụ ám sát đã làm báo giới bị sốc nặng. Đó là một bi kịch về lòng căm thù, tình yêu, áp bức và sự báo thù, mà sân khấu của nó trải khắp thế giới. Bi kịch này đã làm cho vụ ám sát trở thành một truyền thuyết cho đến tận ngày nay.

Thủ phạm - người phụ nữ xinh đẹp - đã ra tay để báo thù cho chiến sĩ cách mạng huyền thoại Che Guevara và thiên thần báo thù đó là… một cô gái Đức!

Làm thế nào thủ phạm tẩu thoát được, dù cô gái đã chạm trán với vợ của Quintanilla và chỉ sau vài phút cảnh sát đã phong tỏa hiện trường vụ án? Câu hỏi lớn nhất mà dư luận quan tâm: Quintanilla liên quan gì đến Che Guevara?
10-cau-noi-noi-tieng-bac-nhat-cua-huyen-thoai-the-ky-20.jpg
Che Guevara - huyền thoại của thế kỷ 20

Mối liên quan có từ trong quá khứ, ở Bolivia xa xôi. Roberto Quintanilla đã từng là kẻ đứng đầu khét tiếng tàn bạo của cơ quan mật vụ đất nước này. Hắn là kẻ phải chịu trách nhiệm về việc nhiều người hoạt động cánh tả bị tra tấn và hành quyết, trong đó có Che Guevara.

Những chiến hữu của Che đã thề trả thù và Quintanilla là mục tiêu số một. Sau khi Che bị bắn chết, chính hắn đã ra lệnh chặt đôi tay của Che – như một bằng chứng tàn khốc về cái chết của chiến sĩ cách mạng này.
anh.jpg

Sau đó, Quintanilla tìm chỗ ẩn náu tại Hamburg xa xôi trong vai một nhà ngoại giao đáng kính. Lời thề báo thù đã theo hắn đến tận sông Enbơ và thiên thần báo thù là Monika Ertl, một cô gái Đức lớn lên gần thành phố Munich.

Nữ du kích không bao giờ biết sợ

Monika Ertl là con gái của Hans Ertl, một nhà quay phim và là người ủng hộ chế độ Quốc xã trước kia. Vậy tại sao cô con gái lại là một chiến sĩ du kích cánh tả tích cực?
thien-than-bao-thu-cua-che-guevara-2.jpg
Monika Ertl

Monika Ertl lớn lên tại Đức thời hậu chiến, cho đến khi ông bố do bất mãn vì không được nhận giải quay phim năm 1954 đã bỏ Đức, sang sống ở Bolivia - nơi cách Thủ đô La Paz vài trăm cây số để gây dựng một nông trại nuôi bò.

Trong mấy cô con gái, Monika được ông bố tin tưởng nhất. "Đối với tôi, Monika thay thế đứa con trai. Trong nó có một nửa là con trai”, ông bố nói. Khi làm phim tài liệu cùng ông bố, Monika đã từng leo lên những đỉnh núi băng giá, bò vào rừng sâu, bắt rắn độc và bắn súng cừ như một chàng trai thực thụ.
 
Đến một lúc, mối quan hệ cha con của Monika rạn nứt. Monika không đồng ý với quá khứ thân Quốc xã của ông bố và không chấp nhận thái độ vô cảm của ông ta trước những bất công trong xã hội như công nhân mỏ bị bóc lột, nông dân bị nghèo đói và người Indio bản địa bị áp bức.

Năm 1969, Monika ly dị chồng thuộc tầng lớp trên trong xã hội Bolivia, cắt đứt mọi quan hệ với tầng lớp này và gia nhập lực lượng du kích ELN. Che Guevara, thần tượng của cô, đã từng chiến đấu trong hàng ngũ ELN.

Monika yêu Inti Peredo, người kế tục Che trong ELN. Từ đó cô trở thành nữ du kích quả cảm và như người ta nói "không bao giờ biết sợ". Cô chiến đấu chống lại nhà nước độc tài và trở thành người bị chính quyền săn đuổi.

Cũng trong năm đó, quân đội dồn lực lượng du kích vào thế bị động. Nhiều chiến sĩ du kích đã hy sinh, trong đó có cả Inti Peredo, người yêu của Monika. Cô đã học cách căm thù khi nhìn bức ảnh chụp trùm mật vụ Roberto Quintanilla ngậm xì gà huênh hoang giẫm lên xác Inti Peredo.

Ít tháng sau đó, Monika đã trả thù được cho người yêu Inti Peredo và thần tượng Che Guevara của mình, cho dù Quintanilla đã sang tận Đức ẩn náu. Sau vụ này, cuộc đấu tranh của lực lượng du kích ELN tưởng chừng như bị chôn vùi trong rừng rậm Bolivia đã vọt lên trang nhất các báo châu Âu.

Cuộc truy lùng "kẻ thù số 1" của nhà nước độc tài Bolivia

Rõ ràng, nếu chỉ một mình Monika thì không thể nào lên kế hoạch và thực hiện vụ ám sát này được, tuy trước đó cô đã nhiều lần từ Bolivia đến Đức. Phải chăng, lực lượng cánh tả ở Đức đã giúp đỡ cô? Phải chăng cô đã lọt vào đến hang ổ của quái thú và ẩn mình ngay trên tầng trên văn phòng lãnh sự Bolivia đợi thời cơ ra tay, nơi cảnh sát không hề kiểm tra?
thien-than-bao-thu-cua-che-guevara-3.jpg
Roberto Quintanilla Pereira, trùm mật vụ Bolivia, kẻ ra lệnh chặt tay Che Guevara để làm "chiến lợi phẩm"

Xung quanh vụ án này, dư luận đặt rất nhiều câu hỏi nghi vấn nhưng có một điều mà mọi người đều biết chắc chắn: Monika đã nhận vũ khí từ Giangiacomo Feltrinelli, một triệu phú theo cánh tả người Italia. Người ta cũng biết chắc chắn là Monika đã bằng nhiều tuyến đường bí mật trốn về được Bolivia và trở thành  "kẻ thù số 1" của nhà nước độc tài Bolivia.

Mùa hè năm 1971, ông bố Hans Ertl bàng hoàng khi thấy báo chí nước này đưa tin nhà nước treo thưởng 20.000 đô la cho ai phát giác cô con gái ông ta. Ở một đất nước nghèo khổ như Bolivia thì mức thưởng cực cao đó là một bản án tử hình chắc chắn.

Ông ta không hề biết rằng, chính Klaus Altmann, một người bạn cũ của gia đình ông ta đã cung cấp tin tức về Monika cho cảnh sát. Ông bố cũng không biết được Klaus Altmann chính là Klaus Barbie, tên trùm Gestapo ở Pháp trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Ở Pháp, hắn nổi tiếng tàn bạo và được người Pháp gọi là "tên đao phủ thành Lyon". Ông ta cũng không biết rằng, chính Monika đã lần ra dấu vết Barbie ở Bolivia và định bắt cóc tên tội phạm chiến tranh này nhưng không thành và vì thế, cô đã lọt vào tầm ngắm của hắn.

Nhờ kinh nghiệm chống du kích thời Chiến tranh thế giới lần thứ hai nên tên Gestapo cáo già này được cơ quan mật vụ Bolivia mời làm cố vấn và phong cho hắn chức đại tá danh dự. Năm 1983, Barbie bị dẫn độ về Pháp và năm1987, hắn bị tòa án Pháp xử tù chung thân.

Tháng 5/1973, Monika Ertl bị dụ vào bẫy và bị bắn chết. Tại Đức, hồ sơ cảnh sát về vụ ám sát ở Hamburg được khép lại. Cho đến nay, thân nhân của cô vẫn chưa biết nơi chôn cất thiên thần báo thù cho Che Guevara.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm