pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thiếu giáo viên tiếng Anh, 2.600 học sinh Mèo Vạc học trực tuyến từ Hà Nội
Những giờ học tiếng Anh trực tuyến khiến học sinh hào hứng
Thông tin được chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức vào tháng 8/2023.
Theo đó, đầu năm học 2022-2023, cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đến lớp 3, bắt buộc học sinh phải được học 4 tiết tiếng Anh/tuần.
Huyện Mèo Vạc có 2.609 học sinh đang học lớp 3 với 76 lớp. Trong khi đó, huyện này chỉ có duy nhất một giáo viên tiếng Anh. Bởi thế, địa phương đã liên hệ với trường Marie Curie (Hà Nội) với mong muốn nhận được hỗ trợ dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3.
Ông Bùi Văn Thư, Trưởng phòng GD-ĐT H.Mèo Vạc, cho biết, số lượng giáo viên tiếng Anh ở cấp THCS cũng chưa đáp ứng nhu cầu. Huyện cũng lên kế hoạch bố trí 1 - 2 giáo viên dạy trực tuyến đến 76 điểm cầu cùng thời điểm. Tuy nhiên, phương án này bộc lộ nhiều hạn chế.
Do đó, ngày 9/9/2022, trường Marie Curie tiến hành dạy thử. 3 ngày sau đó chính thức triển khai việc dạy trực tuyến tiếng Anh cho học sinh lớp 3 của huyện Mèo Vạc. 22 giáo viên Thủ đô dạy 2.609 học sinh miền núi, có 90% học sinh là người dân tộc Mông.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, học sinh sẽ học 4 tiết tiếng Anh/ tuần. Mỗi tuần, học sinh lớp 3 Mèo Vạc sẽ được học 3 tiết tiếng Anh trực tuyến với các giáo viên từ Thủ đô. 1 tiết còn lại, các em sẽ được giáo viên địa phương dạy.
Cô Hồng Nhung, đảm nhận dạy tại Trường tiểu học Khâu Vai, cho biết không khí buổi học hào hứng, các học sinh rất nhiệt tình tham gia. Khác với học sinh ở Hà Nội, được học tiếng Anh từ khi còn học mẫu giáo, học sinh lớp 3 ở Mèo Vạc lần đầu tiếp cận với tiếng Anh.
Vì vậy, cô Nhung cho biết phải dành thời gian hướng dẫn thật kỹ, nhắc lại các câu khẩu lệnh đơn giản nhiều lần, thật chậm để các con bắt kịp, hào hứng theo dõi bài học.
"Việc dạy trực tuyến khó khăn hơn trực tiếp do liên quan tới tín hiệu đường truyền, hạn chế tương tác... nhưng mình rất hy vọng, dự án thành công để giúp được các em học sinh vùng cao học tiếng Anh hiệu quả hơn", cô Hồng Nhung chia sẻ.
Nhờ vậy, trong năm học qua, có 4 học sinh tiểu học ở Mèo Vạc đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi môn tiếng Anh của tỉnh. Đó là điều mà từ trước đến nay thầy trò nơi này chưa dám nghĩ đến.
Tháng 5 vừa qua, các thầy cô dạy tiếng Anh của Trường Marie Curie vượt quãng đường xa hàng trăm cây số để đến các điểm trường của huyện vùng cao Mèo Vạc, gặp gỡ các học trò mà mình dạy gần 1 năm học vừa qua bằng hình thức trực tuyến.
Các thầy cô cũng thực hiện kiểm tra nói tiếng Anh sau năm học đầu tiên, học sinh được tiếp xúc và làm quen với môn học mới mẻ này. Mỗi em sẽ có 5 phút để trò chuyện, trả lời các câu hỏi bằng tiếng Anh.
Không dừng lại ở 1 năm, ông Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng trường Marie Curie còn ngỏ lời đề nghị lãnh đạo huyện Mèo Vạc để thầy cô trường Marie Curie tiếp tục dạy lứa học sinh này ít nhất 1 năm nữa. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài tỉnh Hà Giang cũng cần có phương án bồi dưỡng, tuyển thêm giáo viên đảm bảo chất lượng và triển khai chương trình phổ thông mới.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết để thực hiện được dạy ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông mới cho lớp 3 năm học 2022 - 2023, cả nước cần thêm 5.322 giáo viên, còn cho 2 năm tiếp theo lần lượt là 2.207 và 2.061.
Để đủ cho cả 3 năm sẽ cần thêm 9.589 giáo viên, việc thiếu cục bộ xảy ra ở nhiều tỉnh (Yên Bái hiện thiếu 148 giáo viên, Tây Ninh thiếu 105, Lai Châu thiếu 164, Bình Phước thiếu 204, Hà Giang thiếu gần 300…). Với môn tin học, theo Bộ GD-ĐT, để đủ giáo viên (tính tối thiểu 1 giáo viên/trường) cần bổ sung 3.684 giáo viên.