pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giáo dục vùng cao "gồng mình" vì thiếu giáo viên tiếng Anh và Tin học
Ảnh minh họa
Tại trường Tiểu học Châu Thôn, huyện biên giới Quế Phong, tỉnh Nghệ An, cô giáo Kim Thị Hương Mơ vốn không có chuyên ngành tin học, được đi tập huấn rồi về giao nhiệm vụ dạy môn Tin học. Cô cho biết, học sinh nơi đây nhiều em còn chưa biết đến điện thoại, chứ nói gì đến máy tính. Thực sự đây là những thiết bị rất xa lạ đối với các em học sinh ở huyện biên giới này.
Phòng tin học có 8 máy ở điểm chính, học sinh điểm lẻ phải về điểm chính để học, mỗi tuần 1 buổi. Một số em bố mẹ đi làm ăn xa, ở với ông bà, phương tiện không có, phải nhờ người này người khác, rất vất vả. Nhà trường phải liên tục động viên, làm công tác tư tưởng để các em học sinh và gia đình nỗ lực.
Em Lưu Mai Hoa (học sinh lớp 4) cho chia sẻ, em ở nhà với ông bà nội, bố mẹ vào nam đi làm, đến Tết mới về. Ông bà già rồi, không thể đưa em đi xuống điểm chính để học được. Hôm nào em đi nhờ xe bố mẹ bạn bè trong lớp thì xuống điểm chính học, còn không thì chấp nhận ở nhà.
Mặc dù đã có lộ trình để chuẩn bị, song việc đưa môn tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc vẫn đang đặt áp lực lên ngành giáo dục của nhiều địa phương miền núi.
Theo thống kê của tỉnh Sơn La, năm học 2022 - 2023, tỉnh có khoảng 30.000 học sinh lớp 3, trong đó, hơn 80% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh còn thiếu hơn 300 giáo viên dạy môn tiếng Anh và Tin học. Bên cạnh đó, phòng Tin học, trang thiết bị, mạng internet ở nhiều đơn vị trường, nhất là tại các điểm trường vùng cao chưa đáp ứng cũng gây khó khăn không nhỏ đối với việc giảng dạy 2 bộ môn này cho các em học sinh lớp 3.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cho biết, trước mắt ngành giáo dục địa phương đang thực hiện rà soát, sắp xếp lại học sinh lớp 3 ở các điểm trường lẻ về trường trung tâm để thực hiện dạy học. Bên cạnh đó, bố trí giáo viên dạy liên cấp, liên trường thông qua phương án dạy trực tiếp kết hợp với dạy trực tuyến. Ngoài ra, Sở cũng sẽ ký hợp đồng thỉnh giảng theo công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, làm sao đáp ứng việc dạy và học đối với 2 bộ môn tiếng Anh và Tin học cho học sinh lớp 3 trong năm học này.
Còn tại huyện Hà Quảng (Cao Bằng), hiện toàn huyện không có bất kỳ giáo viên nào chuyên ngành Tin học. Địa phương này đang phải cử 24 giáo viên tiểu học chuyên ngành môn cơ bản đi tập huấn để lấy chứng chỉ Tin học. Hiện tại, để đáp ứng yêu cầu tất cả học sinh từ lớp 3 học môn tiếng Anh, ngành giáo dục địa phương đã phải dồn toàn bộ học sinh các lớp 3,4,5 về những điểm trường chính để học tập. Chủ trương dồn lớp nhằm "tiết kiệm" nguồn giáo viên là phương án khả dĩ nhất, song việc thực hiện không phải dễ khi đặc thù các điểm trường ở đây cách xa hàng chục cây số.
Với yêu cầu dạy bắt buộc tiếng Anh, Tin học cho 100% học sinh lớp 3 từ năm học 2022- 2023, hiện nhiều địa phương đang phải gồng lên áp dụng nhiều giải pháp tình thế để có thể đáp ứng yêu cầu. Có thể thấy, việc nỗ lực để đảm bảo có đủ giáo viên dạy những môn học mới là một bài toán không đơn giản. Do đó, cần phải có có kế hoạch tổng thể, dài hơi đảm bảo đủ giáo viên để kết quả dạy và học đạt chất lượng như mong đợi, chứ không thể chỉ phải là giải pháp tình thế.