Giải pháp nào khắc phục tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên?

Hà Lê
14/03/2022 - 13:30
Giải pháp nào khắc phục tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên?

Ảnh minh họa

Cả nước thiếu trên 94.000 giáo viên các cấp nhưng đồng thời cũng vẫn cần giảm khoảng 45.000 người hưởng lương ngân sách trong ngành giáo dục. Giải bài toán khó này thế nào?

Thiếu và thừa

Rà soát của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho thấy, cả nước còn thiếu trên 94.000 giáo viên, trong đó riêng bậc mầm non thiếu trên 48.700 giáo viên, tiểu học thiếu trên 20.000 giáo viên… Trong khi đó, số giáo viên thừa ở các cấp, thừa cục bộ ở một số địa phương là 10.178 người.

Cùng với đó, các địa phương còn gặp một khó khăn khác là phải thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về giảm 10% biên chế cơ quan sự nghiệp. Trong khi biên chế ngành Giáo dục thường chiếm 70-80% tổng biên chế sự nghiệp của mỗi địa phương.

Để thực hiện việc giảm biên chế, chỉ tính từ năm 2017-2020, cả nước đã giảm 2.000 trường, do sáp nhập các trường độc lập thành trường liên cấp, sáp nhập các điểm trường lẻ. Việc sắp xếp, điều chuyển giáo viên đi kèm với việc này cũng được các địa phương xử lý nhưng mỗi nơi làm mỗi khác. Theo Bộ GD&ĐT, cách làm còn chưa hợp lý, chưa sát thực tế dẫn tới việc thừa, thiếu giáo viên tồn tại.

Tình trạng tăng dân cư cơ học, di dân, đô thị hóa, những yêu cầu mới của chương trình, nhất là khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1,2,6 và sắp triển khai ở các lớp tiếp theo là những yếu tố khách quan dẫn tới việc giáo viên thiếu nghiêm trọng. Nhiều nơi tồn tại tình trạng giáo viên thừa cũng nhiều nhưng thiếu cũng nhiều. Tuy vậy không thể điều chuyển giáo viên của cấp trung học cho tiểu học, mầm non hoặc yêu cầu dạy chéo môn ở những lĩnh vực không gần nhau.

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Bộ GD&ĐT báo thiếu trên 94.000 nhưng Bộ Nội vụ sau khi rà soát, xem xét thì chỉ duyệt 65.000. Trước mắt sẽ bổ sung trên 27.000 biên chế giáo viên các cấp. Nhưng bà Trà cũng cho biết đồng thời ngành Giáo dục vẫn phải thực hiện các giải pháp để giảm khoảng 45.000 người hưởng lương ngân sách Nhà nước.

Năm 2019, 2 bộ đã trình Chính phủ phê duyệt bổ sung trên 20.000 biên chế giáo viên mầm non cho 14 tỉnh, thành có mức tăng dân số cơ học cao và 5 tỉnh Tây Nguyên. Con số thiếu trên 94.000 giáo viên là đã tính toán sau khi bổ sung trên 20.000 biên chế này.

Giải pháp tình thế cho việc thiếu giáo viên là việc thực hiện Nghị quyết 102/2020/NQ-CP cho phép các cơ sở giáo dục ký hợp đồng lao động dưới 12 tháng với các vị trí việc làm giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định để có thể đáp ứng kịp thời việc thay thế giáo viên nghỉ hưu, nghỉ thai sản theo chế độ và để bố trí đủ giáo viên dạy 2 buổi/ngày.

Bên cạnh việc đề nghị các UBND tỉnh, thành phố xem xét ký hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên đạt chuẩn đào tạo, Bộ GD&ĐT cũng tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm, khích lệ các trường sư phạm đào tạo theo địa chỉ, cung cấp nguồn tuyển cho các địa phương có nhu cầu.

Giải pháp nào khắc phục tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: TN

Cần giải pháp bền vững

Những nỗ lực mang tính tình thế chưa giải quyết được bất cập về vấn đề thừa, thiếu giáo viên. Theo bà Phạm Thị Thanh Trà thì việc cấp bách cần làm lúc này là Bộ GD&ĐT phải xây dựng, hoàn thiện chiến lược phát triển giáo dục mầm non, phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Từ đó mới có thể hình dung về nhu cầu nhân lực, phát triển đội ngũ giáo viên.

Theo bà Trà, với một chiến lược như thế thì mới có cơ sở để dự báo nhu cầu nhân lực, từ đó các bộ mới có thể bàn bạc triển khai giải pháp mang tính căn cơ, trong đó cái gì cần ưu tiên thực hiện trước. Thực tế hiện nay cũng cho thấy, giải quyết vấn đề bất cập về thừa, thiếu giáo viên còn liên quan tới nhiều giải pháp mang tính đồng bộ từ tạo nguồn đào tạo, tuyển dụng đến bố trí, sắp xếp, điều chuyển. Cùng với đó, những quy định pháp lý bộc lộ hạn chế, lạc hậu phải được chỉnh sửa, thay đổi.

Về vấn đề "giảm 10% biên chế sự nghiệp", bà Thanh Trà khẳng định việc thực hiện trong thời gian qua là "không cào bằng". Có những nơi sắp xếp tốt, tăng cường tự chủ nên mức cắt giảm lên đến 20%, 50%. Nhưng có những nơi sẽ không đạt 10% vì giáo viên đứng lớp thiếu.

"Có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp", nguyên tắc này được thống nhất từ Chính phủ đến các Bộ. Trong buổi giải trình về tuyển dụng, quản lý giáo viên mầm non, phổ thông do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội tổ chức, bà Thanh Trà cho rằng việc đề xuất bổ sung trên 27.000 giáo viên cũng xuất phát từ thực tế cần bổ sung giáo viên đứng lớp ở một số địa phương, bậc học với nguyên tắc thiếu giáo viên thì vẫn phải bù đắp. Giảm biên chế sự nghiệp nhưng không có nghĩa là giảm vào giáo viên đang đứng lớp.

Tuy vậy, trao đổi về vấn đề này, bà Thanh Trà cũng cho rằng giải pháp một số địa phương đang làm là bài học kinh nghiệm cần được lan tỏa. Cụ thể là phát triển mô hình trường phổ thông liên cấp, đặc biệt là ở các vùng miền núi khó khăn, tăng xã hội hóa, tự chủ tài chính, cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao, tương ứng với thu học phí cao hơn ở những vùng thuận lợi để có thể chia sẻ gánh nặng ngân sách.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm