"Thợ săn" quốc xã

24/08/2017 - 07:55
Với lòng căm thù băng giá với Quốc xã, tuy không được đào tạo chuyên nghiệp nhưng kỹ năng tiến hành điều tra được liệt vào hàng "bậc thầy", đó là Hanns Alexander, một trong những "thợ săn" những kẻ Quốc xã thành công nhất thế giới.
Khi đối mặt với tên trùm Quốc xã Rudolf Hoess, Hanns Alexander đã không cho kẻ bị bắt cơ hội tự sát khi ông nhanh tay chọc khẩu súng lục vào mồm hắn, lục tìm những viên thuốc độc đang được giấu trong răng.

Ông không thể để cho kẻ độc tài đã gây ra cái chết của hàng triệu người tự sát nhằm thoát khỏi bản án thích đáng. Trước đó, đội của Hanns Alexander truy tìm tên Quốc xã chỉ huy trưởng trại tập trung Auschwitz này suốt nhiều tháng trời.
tho-san-quoc-xa-2.jpg
Rudolf Hoess - một trong những tên quốc xã tràn bạo nhất

Cho đến đêm ngày 11/3/1946, họ mới bắt được hắn. Rudolf Hoess chính là kẻ đã chỉ huy công trình xây dựng các buồng phun khí độc và quy trình "công nghiệp hóa" giết người Do Thái cùng các tù nhân chính trị ở trại tập trung Auschwitz.

Vụ bắt Rudolf Hoess là chiến công lớn nhất của Hanns Alexander. Tuy nhiên, rất ít người biết đến tên ông. Mãi đến khi ông chết, trong đám tang ông tháng vào tháng 12/2006 ở London, nhiều thân nhân của ông mới biết chiến công này.

Từ người bị... săn đuổi

Trước khi trở thành thợ săn Quốc xã, Alexander là kẻ bị săn đuổi. Ông sinh năm 1917 trong một gia đình Do Thái ở Berlin. Khi bọn Quốc xã lên nắm chính quyền, gia đình ông chạy sang London. Khi Chiến tranh Thế giới nổ ra, ông tình nguyện ra nhập quân đội Anh. Tháng 5/1945, ông trở về quê hương theo lệnh của quân đội Anh.
holocaust.jpg
Trại tập trung Ebensee được thành lập tháng 10/1943 ở Áo. Trại tập trung này cung cấp lao động xây dựng đường hầm dưới lòng đất cho phát xít Đức. Tù nhân tại đây thường làm việc đến chết.

Trước đó, quân đồng minh đã giải phóng trại tập trung Bergen-Belsen. Người Anh đã thành lập một đội điều tra để lấy cung giám thị và lập hồ sơ vụ trại tập trung Bergen-Belsen, cũng là vụ xét xử tội phạm chiến tranh đầu tiên trên đất Đức. Alexander được cử làm phiên dịch cho đội điều tra này.

Tại Bergen-Belsen, ông nhìn thấy một cảnh tượng khủng khiếp: Hàng nghìn xác chết chất đống, được đổ xuống chôn trong những ngôi mộ tập thể khổng lồ. Người sống sót là những hình hài da bọc xương, sống nhưng như là đã chết.
 
Những gì mục kích được tại trại tập trung Bergen-Belsen đã làm Alexander thay đổi hoàn toàn. Ông sốc trước sự lạnh lùng của bọn giám thị và sĩ quan Quốc xã bị bắt. Ông đã giáp mặt những tên đao phủ chủng tộc, chiến binh của Quốc xã độc ác, như mụ giám thị Irma Grese - "con linh cẩu Auschwitz" - nổi tiếng tàn bạo. Mụ là một trong những tội phạm chiến tranh trẻ nhất bị tòa xử treo cổ khi mới 22 tuổi.
tho-san-quoc-xa-1.jpg
Thợ săn quốc xã lừng danh Hanns Alexander

Hanns Alexander tức giận, vì bọn Quốc xã đầu sỏ vẫn chưa bị tóm và có đủ thời gian để chạy trốn. Ông không muốn chỉ ngồi dịch trong các cuộc lấy cung nữa, mà tự đi truy lùng bọn Quốc xã. Vì không có giấy phép chính thức, ông đã tự điều tra.

Tháng 7/1945, ông viết thư cho người em gái: "Truy lùng những bọn Quốc xã này là niềm vui lớn nhất của anh". Ông dọc ngang khắp nước Đức, dò hỏi trong dân chúng, binh lính, cảnh sát và tìm kiếm những tên tù nhân có xăm ký hiệu chiến binh Quốc xã.

"Thợ săn" Hanns Alexander không được đào tạo nghiệp vụ điều tra, ông cũng không có trang thiết bị điều tra và không tiếp cận được các tài liệu tình báo. Tuy vậy, ông vẫn truy tìm được 2 tên Quốc xã, nhưng không phải là những tên đầu sỏ.

Trở thành sĩ quan điều tra

Sau thành công ban đầu, Alexander được Chính phủ Anh cho phép chính thức tiến hành công tác điều tra. Ông tóm được Gustav Simon, kẻ chịu trách nhiệm về chiến dịch hủy diệt người Do Thái ở Luxembua. Tiếp đó, ông được cử đi săn Rudolf Hoess.
hitler-getty.jpg
Adolf Hitler trong một lần duyệt binh

Người Anh phỏng đoán Rudolf Hoess đang lẩn trốn ở gần Flensburg, thành phố cực Bắc nước Đức sát biên giới Đan Mạch. Họ theo dõi vợ con Rudolf Hoess và bắt được một lá thư để lộ ra là vợ Rudolf Hoess biết hắn lẩn trốn ở đâu. Tuy nhiên, khi bị hỏi cung bà này nhất định không khai.

Alexander đã làm cho bà vợ phải mở miệng, bằng cách dùng các con của bà gây áp lực. Ông bắt người con trai lớn đến nhốt trong tù. Bà vợ lo sợ cho con nên đã đến nhà tù tuyệt thực, tuy nhiên vẫn khăng khăng là chồng đã chết. Đúng lúc đó, có một đầu máy xe lửa nổi còi chạy qua phía sau nhà tù.

Alexander đã tranh thủ cơ hội này, lao vào chỗ giam 2 mẹ con và dọa đó là chuyến tàu sẽ chở đứa con trai lớn đi lao động cải tạo ở Xibêri và chỉ có lời khai của bà mới cứu được nó. Để cứu con, bà này đã khai địa chỉ và tên giả của chồng. Đội điều tra của Alexander đến ngay ngôi làng nhỏ bé Gottrupel gần thành phố Flensburg...

Bước đột phá trong chiến dịch chống tội phạm chiến tranh

Ít giờ sau, đội của Alexander tóm được Rudolf Hoess. Hắn bị nhốt vào một xà lim và phải chịu đựng tình cảnh như trong trại tập trung trước kia của hắn: giá rét, chân bị sưng tấy lên vì lạnh...
anh-chien-tranh.jpg
Ngày 30 tháng 4 năm 1945, người lính Hồng quân Meliton Kantaria cắm cờ Liên bang Xô Viết trên nóc nhà Quốc hội Đức trong trận Berlin

Lời thú tội của Rudolf Hoess tạo ra bước đột phá trong chiến dịch điều tra tội phạm chiến tranh. Lần đầu tiên tên chỉ huy trại tập trung này đã mô tả chi tiết bộ máy giết người và mức độ khủng khiếp của chương trình thảm sát người hàng loạt. Lời khai của các nạn nhân đã được xác nhận và những tên Quốc xã khác không còn chối tội được nữa.

Trong phiên tòa lịch sử ở Nuernberg xét xử bọn tội phạm chiến tranh, Rudolf Hoess là một trong những nhân chứng quan trọng nhất. Lời thú tội của hắn gây chấn động dư luận. Hắn ước tính "ít nhất, 2,5 triệu nạn nhân đã bị hành hình bằng khí độc và bị thiêu trong lò thiêu người và ít nhất, nửa triệu nạn nhân đã chết vì đói và bệnh tật. Tổng số người chết là khoảng 3 triệu người".
 
Người hùng thầm lặng

Cuối tháng 5/1946, Rudolf Hoess bị dẫn độ cho Chính phủ Ba Lan. Ngày 11/3/1947, phiên tòa xét xử hắn được mở tại Warszawa. Hắn bị buộc tội chịu trách nhiệm về cái chết của 300.000 tù nhân người Ba Lan, người Nga và 4 triệu người Do Thái. Tháng 4/1947, Rudolf Hoess bị treo cổ tại trại tập trung Auschwitz.

Alexander quay về London. Ông muốn quên đi cuộc chiến tranh, tập trung vào gia đình và làm việc tại một ngân hàng. Ông sống vui vẻ, bình lặng, không có vẻ gì là một anh hùng thời chiến. Ông tự hào về những chiến tích của ông với tư cách là một thợ săn Quốc xã. Tuy vậy, sự tức giận trong sâu thẳm trái tim ông không bao giờ nguôi ngoai, vì vẫn còn nhiều kẻ tội phạm chiến tranh thế giới lần thứ hai không bao giờ bị đưa ra trước vành móng ngựa.

Cho đến khi qua đời, Hanns Alexander không bao giờ đặt chân lên đất Đức nữa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm