pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thời đại số, nhà văn không thể đứng ngoài cuộc

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên
Cần người lớn dẫn dắt để trẻ kết nối với sách
+ Là nhà văn truyền cảm hứng văn hóa đọc cho thiếu nhi, theo chị, sách có vai trò gì trong việc bồi đắp tâm hồn cho trẻ nhỏ?
Mỗi khi trò chuyện với các em nhỏ về sách, về thói quen đọc và tình yêu dành cho các tác phẩm văn học, tôi thường đến với tâm thế là một-đứa-trẻ-sống-lâu-năm-thành người lớn. Bởi vì tôi cũng từng là một đứa trẻ thích đọc sách, lớn lên với những câu chuyện đẹp trong trang sách và hiểu rằng sách có ý nghĩa lớn lao như thế nào đối với tâm hồn trẻ thơ.
Thế giới trong trang sách rộng lớn và kỳ vĩ, cho trẻ nhỏ trí tưởng tượng bay bổng, khả năng sáng tạo vô hạn và những cảm xúc đẹp của tình yêu thương, lòng trắc ẩn; gieo vào lòng trẻ những giấc mơ, tình yêu, ước vọng và niềm tin, sức mạnh tinh thần to lớn từ những giá trị sống cao đẹp.
Những trang sách hay, những câu chuyện đẹp có ý nghĩa như những dòng nước mát, bồi đắp, tưới tắm mỗi ngày để ươm hạt mầm xanh tươi, thuần khiết trong tâm hồn trẻ thơ.
"Làm thế nào để trẻ có thể kết bạn cùng sách?" có lẽ là trăn trở của rất nhiều người. Có một điều chung là những em bé thích đọc sách, chịu đọc sách luôn có người lớn dẫn dắt, định hướng, trò chuyện và đọc sách cùng.

Cuốn sách "Xám ngố đi thành phố"
Sẽ rất khó nếu người lớn cứ nói, cứ truyền cảm hứng nhưng không đồng hành cùng trẻ trong những năm tháng các con còn thơ ấu. Rất nhiều em bé chưa hoặc không thích đọc sách nhưng cũng có rất nhiều em nhỏ say mê những câu chuyện và được ba mẹ, thầy cô, những người yêu thương dẫn dắt, từng bước đưa các con vào thế giới sách đầy sắc màu và những điều kỳ diệu.
Tôi tin rằng, với những gì mà bao người lớn tâm huyết đã và đang làm với văn hóa đọc hiện nay, sẽ từng bước, từng ngày cùng nhau trao gửi tình yêu và gieo mầm đọc sách cho trẻ nhỏ. Chúng ta rồi sẽ có được những thế hệ trẻ yêu thích đọc sách, trưởng thành, giàu lòng nhân hậu, luôn tìm thấy và thực hiện được giấc mơ lớn của đời mình, không bao giờ bỏ cuộc…
+ Bên cạnh làm báo, viết văn, giảng dạy, có thể thấy sự đầu tư không nhỏ của chị khi làm những clip nghệ thuật "Giai điệu của chữ". Yêu và mong muốn lan tỏa cái đẹp của nghệ thuật là một trong những điều chị hướng đến?
"Giai điệu của chữ" là podcast văn chương (thời lượng 3 phút), được tôi thực hiện khi đảm nhận vai trò Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM. Thật ra, đây cũng là chương trình tôi muốn thực hiện từ nhiều năm trước.
Thời đại số, nhà văn cũng không thể đứng ngoài cuộc trước sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội. Văn chương không chỉ xuất hiện trên sách giấy, đăng tải trên mạng mà tôi muốn tác phẩm lan tỏa theo một cách khác, bằng những phương thức khác.
"Giai điệu của chữ" kết hợp văn chương, âm nhạc, phong cảnh- văn hóa của đất nước… Sự cộng hưởng những cảm xúc lãng mạn ấy có thể mang đến cho người xem - nghe những giây phút lắng lòng, có thể cảm thấy được sự ủi an hoặc đơn giản là dừng lại một chút để thưởng thức những giai điệu đẹp…
Những tản văn trích đọc trong 11 số đã phát trên facebook và tiktok đều là những trang viết dành cho người lớn (đã in báo hoặc xuất bản thành sách nhiều năm trước). Đó là cách tôi có thể song hành giữa văn học thiếu nhi và tác phẩm viết cho người lớn của mình; đồng thời cũng là cách tôi gửi trao một góc tâm hồn mình về những người đọc-người xem cùng cảm xúc rung động…

Đại sứ Văn hóa đọc - Nhà văn Bùi Tiểu Quyên
Văn học thiếu nhi là lối rẽ bất ngờ
+ Điều gì khiến Tiểu Quyên viết "Xám ngố đi thành phố", tiếp theo câu chuyện "Hùm Xám qua sông"? Bạn muốn gửi gắm điều gì trong hành trình của Xám ngố?
Xám "ngố" có tên là Hùm Xám, trong phần 1, câu chuyện kết thúc khi Hùm Xám được trao vai trò "khuyển truyền ký ức". Khi tác phẩm Hùm Xám qua sông phát hành (vào tháng 1/2024), tôi đọc lại và nhận ra, hành trình của Hùm Xám chỉ thật sự mới bắt đầu.
Vậy là ngay lúc đó, ý tưởng về phần 2 xuất hiện và tôi đã viết tiếp bản thảo Xám ngố đi thành phố ("ngố" trong trường hợp này là tính từ, kiểu Hùm Xám "nhà quê lên phố" ngơ ngơ ngác ngác).
Tôi muốn thế giới của nhân vật trải rộng ra, dài theo những bước chân đi, được gặp gỡ những người bạn mới và tìm thấy biết bao điều kỳ diệu, đẹp đẽ trong cuộc đời…
Hành trình của Hùm Xám từ đảo Thiêng - một hòn đảo giữa dòng sông, nơi có rừng mắm, rừng đước và tàu ghe tấp nập - lên thành phố, rồi về đất Mũi cũng như hình ảnh của những đứa trẻ miền quê nghèo, có giấc mơ, khát vọng; có niềm tin, tình yêu thương, nghị lực; sự lạc quan, tử tế và lòng nhân hậu…
Hùm Xám - chú chó nhỏ trưởng thành từ trong gian khó đã luôn học hỏi, khám phá cuộc sống; luôn thấu hiểu và sẻ chia; dũng cảm và kiên cường… Cứ thế, hành trình của Hùm Xám được lấp đầy bằng tình yêu của muôn loài, của bao người.
Hùm Xám từ một chú chó nhỏ hồn nhiên, cuối cùng đã tìm thấy và thực hiện được giấc mơ; hiểu được ý nghĩa của sự sống và đã nhận lãnh sứ mệnh cao cả của đời mình. Tôi mong tinh thần, lý tưởng sống của nhân vật - đã được tác giả trao gửi với rất nhiều yêu thương - ít nhiều có thể truyền cảm hứng và sẻ chia những giá trị ý nghĩa đến bạn đọc, đặc biệt là các em nhỏ.
+ Những tác phẩm bạn viết cho thiếu nhi đều chọn nhân vật chính là con vật. Có sự hữu ý nào không?
Thế giới loài vật với tôi đáng yêu vô cùng. Tôi dành tình yêu thương cho tất cả mọi loài, đôi khi đối xử với chúng như những em bé. Thế giới loài vật cũng cho tôi tự do kể những câu chuyện cho trẻ thơ qua lăng kính của các loài, khám phá thế giới theo cách của những sinh vật dễ thương.
Mỗi loài có đặc điểm, tính cách và bản năng riêng, tôi dựa theo đó để tạo ra các nhân vật đáng yêu, hài hước, hồn nhiên mà cũng rất kiên cường, mạnh mẽ, giàu tình yêu thương và lòng trắc ẩn…
Cuộc sống của con người và đời sống của vạn vật, thế giới tự nhiên được nhìn qua lăng kính các loài vật rất thú vị. Mỗi khi ngồi với bản thảo của mình, tôi cũng cảm thấy như trái tim mình nhảy múa những nhịp điệu đáng yêu cùng muôn loài - trong thế giới tự nhiên với muôn vạn sắc màu kỳ diệu…
Những ý tưởng dành cho văn học thiếu nhi - kỳ lạ thay - đã luôn xuất hiện trong đầu và tôi biết thời gian này, ít nhất là trong vài năm nữa, tôi cần dành tâm sức cho các tác phẩm thiếu nhi của mình. Văn chương là một con đường dài của người cầm bút - như cuộc đời.
Vậy nên, trên chặng hành trình đó, sẽ luôn có những lối rẽ. Văn học thiếu nhi là một lối rẽ bất ngờ với tôi. Tôi vẫn có ý tưởng về tác phẩm dành cho người lớn ở thời điểm này, nhưng sẽ để bản thân được sống trọn vẹn với những điều mà tôi đang tâm đắc và yêu thương - như những câu chuyện dành cho trẻ thơ và cả người lớn cũng có thể đọc cùng.
+ Sau Xám ngố, tác phẩm tiếp theo của chị là…?
Xám ngố đi thành phố là tập 2 trong series "Hùm Xám" mà tôi muốn thực hiện. Vậy nên, sau phần 2, tôi hy vọng mình có thể tiếp tục với phần 3 - trong một câu chuyện khác… Nhưng nói trước về tác phẩm của mình, với tôi luôn là điều không dễ dàng. Mong bạn đọc có thể tin chờ tác giả nhé.
+ Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên, sinh năm 1985 tại Long An; là thạc sĩ Văn hóa học, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM; hội viên Hội Nhà văn TPHCM; Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM.
Các tác phẩm văn học thiếu nhi đã in: Cà Nóng chu du Trường Sa (2021, nhà xuất bản Kim Đồng); Biển ấy là của mình (bộ sách tranh, 2023, Lionbooks và nhà xuất bản Hà Nội); Thiên nhiên kỳ thú (bộ sách tranh, in chung, 2024, nhà xuất bản Trẻ); Hùm Xám qua sông (2024); Xám ngố đi thành phố (2025).
Các giải thưởng đã đạt: Giải thưởng Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn TPHCM năm 2021, Giải Mai Vàng - báo Người Lao động năm 2021, giải C - giải thưởng Sách Quốc gia năm 2022, với tác phẩm Cà Nóng chu du Trường Sa.