pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thổi hồn cho tác phẩm hội họa từ việc vẽ tranh trên thủy tinh tái chế
Thầy giáo Ngô Minh Khôi và các tác phẩm
Cách đây 5 năm khi tình cờ nhìn thấy vài chiếc chai thủy tinh bị bỏ lại trên đê, lúc đó anh Ngô Minh Khôi, một thầy giáo ở huyện Thường Tín (Hà Nội) nghĩ đến sự nguy hiểm: Nếu những chiếc chai thủy tinh này bị vỡ, và trẻ em vui chơi trên đê dẫm vào chân thì sao? Anh đã nhặt những chiếc chai mang về và bắt đầu cuộc hành trình tạo vẻ đẹp cho chúng, để những chiếc chai bỏ đi không còn ảnh hưởng đến môi trường.
Từ ý thức bảo vệ môi trường sống
Bằng tài năng hội họa và kiến thức về mỹ thuật của mình, anh Ngô Minh Khôi đã thổi hồn vào chai thủy tinh vô tri vô giác, biến chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp.
“Tôi chỉ muốn những vật liệu bỏ đi này không ảnh hưởng đến môi trường mà trở thành những tác phẩm nghệ thuật mang tính thẩm mỹ và có giá trị cao hơn với giá trị bình thường của nó. Từ đó yêu thích vẽ, tái chế lên chai thủy tinh và sỏi cuội”, anh Khôi chia sẻ.
Theo anh Khôi, quy trình để hoàn thiện một bức tranh trên chất liệu đá cuội hay chai thủy tinh cũng gần giống nhau, trải qua các bước như: Sơn lót, phác hình, vẽ, chờ khô và phủ bóng. Tuy nhiên vẽ trên chai thủy tinh khó khăn hơn nhiều so với vẽ trên đá cuội vì độ bám trên chai thủy tinh rất kém, hình dáng chai cong nên khi vẽ có nhiều khó khăn.
Các chủ đề anh vẽ lên chai thủy tinh thường gắn liền với phong cảnh thiên nhiên, con người , tranh sáng tạo và vẽ họa tiết mandala. Anh muốn dùng các họa tiết trên để vẽ lên chai tạo ra các tác phẩm nghệ thuật có thể trang trí ở nhiều vị trí khác nhau như: Làm lọ hoa ở phòng khách, phòng làm việc... với phong cách vẽ tả thực và sáng tạo những tác phẩm hoàn thiện được rất nhiều bạn bè yêu thích.
Theo anh Khôi, hiện nay nhiều người đã chuyển từ sử dụng chai nhựa sang dùng chai thủy tinh, tuy nhiên, sau khi sử dụng thì thường bỏ đi, nhiều vỏ chai chưa được tái chế. Anh thường xuyên đi xin vỏ chai để vẽ tranh. Nhiều người thấy anh tìm kiếm thì tự giác mang đến tặng.
“Qua việc tái chế bằng cách vẽ lên chai thủy tinh, tôi muốn truyền tải với mọi người hãy chung tay bảo vệ môi trường để có một cuộc sống xanh. Mỗi khi nghĩ đến việc có thể biến những thứ vô tri vô giác thành những tác phẩm nghệ thuật tôi vô cùng phấn khích. Những chai thủy tinh vứt bỏ ra môi trường vô cùng tai hại, vậy tại sao không tận dụng chúng để biến thành những tác phẩm tuyệt vời”, anh Khôi chia sẻ.
Không chỉ vẽ tranh trên vật liệu tái chế, là một giáo viên mĩ thuật tiểu học, trong những tiết dạy mỹ thuật của mình, anh thường định hướng cho học sinh tạo ra các sản phẩm mỹ thuật qua các bài học. Từ những chất liệu rất gần gũi mà cũng dễ tìm như các bìa các-tông bỏ đi, hay vỏ hộp sữa, các chai nhựa để hình thành cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường.
Anh mong muốn thế hệ sau biết sử dụng các chất liệu xung quanh mình có để tái chế lại các sản phẩm mình dùng thừa bỏ đi để không gây hại đến môi trường xung quanh mình.
Đến nghệ thuật hội họa đặc biệt
Ban đầu anh Khôi vẽ tranh trên thủy tinh, đá cuội chỉ để đem tặng cho người thân, bạn bè. Nhận được những lời khen và động viên, anh tiếp tục mày mò để hoàn thiện tay nghề và bất ngờ những tác phẩm của anh được nhiều người quan tâm hỏi mua. Anh hạnh phúc khi thấy tác phẩm của mình được mọi người tìm kiếm mua về làm quà tặng hoặc trưng bày.
Anh Khôi cho biết, chỉ cần cầm bút vẽ, nhìn bảng màu và ngắm hình thù mỗi viên đá cuội, mỗi chai thủy tinh anh lại có cảm hứng sáng tạo. Chai thủy tinh thì dễ tìm hơn, nhưng đá cuội thì ở Thường Tín rất hiếm, anh lặn lội đi xe buýt sang Long Biên tìm mua bằng được những viên đá cuội rồi tỉ mỉ vẽ lên.
Những tác phẩm như tranh về một ngôi nhà nhỏ trên vùng núi cao, phong cảnh làng quê thanh bình, Vịnh Hạ Long di sản đẹp như mơ, hay những chú chó, mèo xinh xắn vẽ lên đá cuội,… được anh Khôi vẽ một cách tỉ mỉ, sống động và đẹp mắt. Chúng không chỉ khiến những người am hiểu về mỹ thuật trầm trồ mà còn khiến ai nhìn thấy cũng muốn sở hữu.
Anh Khôi cho biết, hình thù những viên sỏi tự nhiên cũng rất khác nhau nên từ hình dáng ấy có thể sáng tác ra một bức tranh hoàn toàn khác. Đó chính là lý do khiến tác phẩm hội họa của anh đặc biệt. Anh cũng có thể vẽ những con vật 3D trên hình dáng có sẵn của viên đá cuội. Trung bình mỗi bức tranh vẽ trên viên đá cuội chỉ bé bằng lòng bàn tay nhưng anh Khôi mất đến 3-4 tiếng để hoàn thiện. Bức tranh khó nhất anh từng làm mất đến 2 ngày.
Tuy nhiên, khoảng thời gian này đối với nhiều người là rất đáng nể phục, bởi đó không chỉ là việc hoàn thiện một bức tranh đơn thuần mà còn là một bức tranh vẽ bằng trí tưởng tượng và sự sáng tạo - một tác phẩm hội họa đích thực được thu nhỏ. Thế mới thấy hết tài năng của người thầy giáo, họa sĩ có tâm với môi trường.