pnvnonline@phunuvietnam.vn
Biến chai thủy tinh đã qua sử dụng thành tranh
Các em nhỏ thích thú với hoạt động làm tranh từ thủy tinh
Nói về cơ duyên thực hiện dự án môi trường này, Duy Thanh cho biết, bản thân đã có một khoảng thời gian khá dài làm việc trong ngành dịch vụ ăn uống và tiếp xúc với các loại chai thủy tinh hằng ngày.
Bị cuốn hút bởi màu sắc của chai thủy tinh, anh nhận thấy, nếu không được xử lý đúng cách, loại chai này có thể gây ảnh hưởng đến sự an toàn của người thu gom và môi trường. Vì vậy, anh đã nảy ra ý tưởng tái chế những chai thủy tinh ấy.
Sau khi chia sẻ ý tưởng của mình, anh Thanh đã nhận được sự hỗ trợ từ hàng xóm và cả những nhà hàng, khách sạn mà anh quen biết. Một số người quen khi biết anh đang thực hiện dự án cũng ủng hộ bằng cách gửi đến những chai thủy tinh.
Nhờ đó, anh có thể bắt đầu dự án của mình một cách thuận lợi. Qua quá trình nghiên cứu và tìm tòi, anh đã tìm ra phương án tái chế thủy tinh phù hợp, đó là biến những mảnh thủy tinh vỡ thành các viên sỏi, sau đó tạo ra tranh.
"Làm sỏi thủy tinh có 5 bước cơ bản, gồm: thu gom, làm sạch chai và tem mác, làm vụn, mài và rửa sạch, phơi khô để sử dụng", anh Thanh cho biết.
Mỗi khâu đều có những khó khăn riêng, trong đó, công đoạn mài các mảnh thủy tinh đòi hỏi anh phải nghiên cứu, tìm loại máy mài phù hợp. Cuối cùng, sau vài tháng tự "thiết kế", chiếc máy mài của anh cũng được hoàn thiện, giúp việc tái chế thủy tinh dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Để lan tỏa việc tái chế này, Duy Thanh đã phối hợp với một số trung tâm tại địa phương để tổ chức các buổi workshop dạy trẻ em làm tranh nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các em.
"Ai cũng có thể tham gia việc tái chế thủy tinh, biến những viên sỏi thủy tinh thành những bức tranh ý nghĩa, những món quà đặc biệt. Tôi nhận thấy, nhiều em rất thích thú khi được tìm hiểu và thỏa sức sáng tạo cùng những viên thủy tinh đã được mài nhẵn góc cạnh", Duy Thanh chia sẻ.
Anh cho biết thêm, bản thân đang có 1 con gái 3 tuổi. Anh mong muốn sau này, 2 bố con sẽ cùng nhau làm ra những bức tranh ngộ nghĩnh, giúp con tìm hiểu kiến thức về môi trường và cũng để tránh xa các thiết bị điện tử, tăng gắn kết gia đình.
Hiện tại, anh còn làm tranh theo đơn đặt hàng và bán sỏi nguyên liệu cho người muốn được thỏa sức sáng tạo tranh tại nhà. Nguồn thu nhập hiện tại một phần được anh dùng để trang trải cuộc sống, phần còn lại dùng để nâng cấp máy móc, gia tăng sản lượng thủy tinh có thể tái chế, đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm tái chế từ thủy tinh.
Qua quá trình thực hiện dự án, anh cảm thấy vui vì được chứng kiến nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường.
"Điều tuyệt vời là mình đã truyền được tinh thần yêu thiên nhiên, mong muốn bảo vệ môi trường đến các em nhỏ. Nhiều gia đình đã bắt đầu thực hiện phân loại rác tại nhà, trong đó có rác thủy tinh, thậm chí họ còn trao đổi với hàng xóm gom lại một lượng nhất định và chuyển tới cho tôi", anh Thanh vui mừng chia sẻ.
Trong tương lai, anh hy vọng có thể mở được một xưởng chuyên thu gom và tái chế thủy tinh, tạo nên một không gian trưng bày các sản phẩm tái chế từ thủy tinh. Duy Thanh cũng mong muốn các em nhỏ có thể được tham quan và trải nghiệm quá trình tạo ra những tác phẩm nghệ thuật từ sỏi thủy tinh, từ đó nâng cao ý thức về các vấn đề môi trường.