pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thói quen buổi tối có thể gây tích mỡ nội tạng, không sửa ngay dễ rước "trăm bệnh"
Nhiều người vì một số lý do mà bắt buộc phải thức khuya như công nhân làm đêm, sinh viên thức học bài, vợ chồng trẻ chăm con nhỏ... Tuy nhiên, cũng có những người thường xuyên thức khuya theo thói quen hay mải chơi điện thoại. Điều này diễn ra thường xuyên sẽ dễ dẫn đến thiếu ngủ.
Tình trạng thiếu ngủ kéo dài không chỉ khiến não bộ dễ bị rối loạn mà ngay cả sức khỏe cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Một báo cáo nghiên cứu của Mayo Clinic, Mỹ vào tháng 4/2022 đã chỉ ra rằng ngủ quá ít dẫn đến ăn quá nhiều, làm tăng tích tụ mỡ nội tạng và dẫn đến béo phì. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mỡ nội tạng có liên quan mật thiết đến nhiều bệnh mãn tính.
Theo Hiệp hội Giấc ngủ Thế giới, các vấn đề về giấc ngủ đã trở thành một đại dịch toàn cầu, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của gần một nửa dân số thế giới.
Ngủ ít quá, mỡ nội tạng dễ tích tụ, ngủ bù cũng vô ích
Thiếu ngủ cùng chế độ ăn không điều độ dễ khiến tích mỡ nội tạng tăng 11%. (Ảnh minh họa)
Wang Ling, một bác sĩ điều trị tại khoa sản và phụ khoa của Bệnh viện Trung Sơn Đài Bắc, Đài Loan giải thích nghiên cứu của phòng khám Mayo Clinic như sau: Thiếu ngủ cộng với chế độ ăn uống không điều độ sẽ đẩy nhanh quá trình tiêu thụ calo của cơ thể, dẫn đến tích tụ mỡ bụng tăng 9% và mỡ nội tạng tăng 11%. Sự tích tụ mỡ nội tạng có tương quan thuận với tỷ lệ mắc nhiều bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tim mạch, hội chứng chuyển hóa và tiểu đường.
Vậy định nghĩa chính xác của ngủ quá ít là gì? Ngủ bao nhiêu là đủ?
Theo khuyến nghị về giấc ngủ của Học viện Y học Giấc ngủ của Mỹ, người lớn ngủ hơn 7 tiếng mỗi ngày là đủ, và ít hơn 6 tiếng là thiếu ngủ. Nếu một người bình thường trung bình ngủ ít hơn 6 giờ và kéo dài hơn 5 ngày liên tục, cân nặng có thể tăng thêm 0,8 kg.
Bác sĩ Wang Ling cho biết thêm, không phân biệt tuổi tác, chiều cao, béo, gầy, khỏe hay không, miễn là tình trạng thiếu ngủ kéo dài trong một khoảng thời gian, lâu dần mỡ bụng sẽ tích tụ, cho dù muốn ngủ bù, cũng không thể ngăn cản điều này diễn ra.
Ngủ quá ít sẽ dẫn đến cảm giác thèm ăn và béo phì
Thiếu ngủ làm tăng cảm giác thèm ăn và càng ăn nhiều càng dễ gây béo phì. (Ảnh minh họa)
Ăn quá nhiều cũng là một nguyên nhân gây béo phì liên quan đến giấc ngủ. Theo kết quả nghiên cứu của Mayo Clinic, nhóm thí nghiệm bị hạn chế giờ ngủ tiêu thụ ít nhất 300 calo mỗi ngày, và lượng calo này đến từ chất béo và protein.
Ngoài ra, nhà tư vấn giấc ngủ người Nhật Tomoya Nono đã từng viết một cuốn sách, trong đó trích dẫn một nghiên cứu từ Đại học Stanford, Mỹ cho thấy những người chỉ ngủ 5 tiếng có cảm giác thèm ăn tương đối lớn hơn những người ngủ đủ. Nguyên nhân là do sự bài tiết orexin (hormone gây thèm ăn) tăng 14,9%, trong khi hormone ức chế sự thèm ăn giảm 15,5%.
Một người sau khi thiếu ngủ sẽ có cảm giác thèm ăn dữ dội, nếu ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo và carbohydrate sẽ làm giảm hoạt động thể chất và gây béo phì.
7 bí quyết nhỏ để có một giấc ngủ ngon, cơ thể không còn béo phì
Đôi khi bạn cảm thấy cơ thể vốn đã rất mệt mỏi, nhưng nằm trên giường trằn trọc trở mình cũng không ngủ được, hoặc rõ ràng bản thân đã quyết tâm đánh một giấc thật ngon, nhưng áp lực phải ngủ dẫn đến tình trạng mất ngủ càng nặng hơn.
Để có giấc ngủ ngon, tổ chức Giấc ngủ Quốc gia của Mỹ đưa ra một số gợi ý về cách cải thiện chất lượng giấc ngủ trong cuộc sống hàng ngày như sau:
- Đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày, kể cả cuối tuần.
- Thiết lập một thói quen thư giãn trước khi đi ngủ, chẳng hạn như nghe nhạc êm dịu, đọc sách hoặc đi tắm.
- Giữ phòng ngủ thông thoáng hoặc mát mẻ. Nhiệt độ cơ thể thấp hơn sẽ giúp bạn dễ ngủ.
- Khi chuẩn bị đi ngủ, hãy cố gắng giữ cho phòng ngủ càng tối càng tốt và không có ánh sáng quá gay gắt.
- Ăn trước khi đi ngủ 2-3 tiếng.
- Tập thể dục nhiều hơn như đi bộ, bơi lội hoặc yoga để giúp làm dịu cơ cứng và cải thiện giấc ngủ.
- Giảm lượng caffein của bạn vào buổi chiều.