pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thói quen tốt giúp hình thành sự sáng tạo
Ham học hỏi
Thái độ ham học hỏi bắt đầu từ tư duy nhìn nhận luôn có những bài học xung quanh, đưa tinh thần vào trạng thái sẵn sàng, để khi những dấu hiệu của bài học xuất hiện, ta có thể nhận ra được chúng.
Đặt câu hỏi và tự tìm câu trả lời
Để nuôi dưỡng một trái tim ham học hỏi, không gì bằng sự tò mò trong mỗi người. Tò mò giúp tâm trí của ta luôn hoạt động, luôn khao khát tìm kiếm những thứ mới mẻ. Nếu không có sự tò mò, khi những ý tưởng mới xuất hiện, nó sẽ trôi qua vì tâm trí của ta chưa sẵn sàng để đón nhận nó.
Khi thất bại trong sự tò mò, ta phân tích thất bại của mình, bởi vì ta muốn biết lý do, nhờ đó, ta có thể làm tốt hơn vào lần sau. Nhưng tò mò không phải là đặt câu hỏi rồi chờ ai đó cho chúng ta câu trả lời vì lúc ấy nó sẽ trở thành thói quen xấu. Hãy cố gắng tự mình tìm ra câu trả lời trước trong khả năng có thể, rồi mới tìm kiếm sự hỗ trợ.
Hãy quan sát, đừng nhìn
Quan sát là cách nhìn nhận sự vật, hiện tượng một cách chi tiết và có phân tích. Quan sát hướng đến và phục vụ cho mục đích, chủ đích, chủ ý rõ ràng. Sự khác biệt giữa quan sát và nhìn là sự chú ý, thiếu đi nó, ta chỉ nhìn thấy những thứ xung quanh mình một cách ngẫu nhiên và vô thức. Tạo được thói quen quan sát, nó mở rộng được thế giới quan và giúp ta ghi nhớ, xâu chuỗi tốt những điều liên quan. Từ đó, ta nhận ra bản chất của vấn đề và hướng tới việc giải quyết nó tốt hơn.
Thử trải nghiệm theo chiều sâu
Trải nghiệm theo chiều sâu là ta dành nhiều thời gian, tập trung hơn cho từng bước trong cả quá trình của một trải nghiệm nào đó. Ví dụ, nếu bạn thích uống cà phê, thay vì đi uống thật nhiều quán hoặc nhiều loại cà phê khác nhau thì ta sẽ tự tay xay nhuyễn hạt cà phê, pha nước nóng, đổ một ít sữa, khuấy đều và quan sát sự thay đổi của màu nước. Từ những việc thường làm hàng ngày nhưng chỉ cần chú ý hơn một chút, chúng ta lại có thể tìm ra vô số thứ hay cho ý tưởng xuất hiện.
Viết hoặc vẽ ra những suy nghĩ trong đầu
Khi viết hoặc vẽ, chúng ta bắt đầu sắp xếp những suy nghĩ lộn xộn trong đầu theo một cách logic hơn. Đây thường được gọi là tư duy hiển thị, nó giúp cải thiện rõ rệt luồng suy nghĩ và giúp tìm ra hoặc lưu lại các ý tưởng tốt hơn.
Đọc nhiều hơn
Không nhất thiết chỉ đọc sách, ta có thể đọc tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ… Khi đọc, não bộ tiếp nhận các từ ngữ rồi vận dụng rất nhiều ký ức, kiến thức và trí tưởng tượng để xử lý thành hình ảnh. Chính nhờ điều đó, thói quen đọc sẽ giúp tăng cường khả năng sáng tạo ở chúng ta.
Tiếp xúc với nội dung chất lượng
Khi bạn đọc nội dung hay, nó sẽ truyền cảm hứng cho bạn. Nó làm cho các nguồn sáng tạo của bạn vận động, giúp bạn bắt đầu một "chế độ" tạo dựng ý tưởng.
Đăng ký các blog hàng đầu trong các lĩnh vực bạn quan tâm, đọc những cuốn sách hay hoặc nghe một podcast tuyệt vời giúp bạn không bị phân tâm. Bạn càng tiếp thu và suy ngẫm nhiều, ý tưởng của bạn sẽ càng sáng tạo hơn.
Thảo luận cùng người khác
Thường xuyên thảo luận về những ý tưởng sáng tạo của bạn với những người khác để tiếp thu những ý tưởng mới. Các cách tiếp cận khác nhau giúp mọi người mang lại nhiều giá trị lớn lao.
Tìm kiếm các quan điểm đối lập
Cân nhắc những ý kiến khác nhau về ý tưởng của bạn để tạo một góc nhìn mới, thay vì chỉ tập trung vào suy nghĩ mặc định của bạn. Bạn sẽ học cách đánh giá ý tưởng của mình và cải thiện chúng một cách đáng kể.