pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thời tiết chuyển mùa, uống trà gì để giảm viêm họng?
Bạn luôn lựa chọn một tách cà phê cho buổi sáng nhưng khi bị đau họng, trà giảm đau họng mới là lựa chọn thức uống nên được ưu tiên. Trà đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ trong nền y học phương Đông như một phương pháp để tăng cường sức khỏe và chữa lành bệnh tật.
1. Tại sao nên uống trà khi bị đau họng?
Lý do đầu tiên mà bạn nên nghĩ tới việc uống trà khi bị đau họng chính là trà giúp bạn giữ độ ẩm cho màng nhầy họng và giảm bớt cơn đau.
Ngoài ra, bổ sung nước có thể giúp cải thiện các triệu chứng của cảm lạnh do virus hoặc sốt cỏ khô (nhưng sẽ không rút ngắn thời gian quá 24 giờ). Thêm vào đó, nhiều loại trà có chứa thành phần giúp chống viêm và chống nhiễm trùng.
Vì thế mà một tách trà ấm luôn là lựa chọn nên được ưu tiên và khuyên dùng khi bạn bị viêm đau họng.
2. Uống trà gì để giảm viêm đau họng?
Dưới đây là 5 loại trà bạn nên uống khi bị đau họng mà bạn có thể tham khảo. Nếu bạn dị ứng hoặc nhạy cảm với caffeine hay thành phần của trà, nói chuyện với bác sĩ để nhận được lời khuyên thay thế phù hợp.
2.1. Trà hoa cúc
Hoa cúc có mùi thơm dễ chịu và theo nghiên cứu được công bố trên Molecular Medicine Report cho thấy, trà hoa cúc có thể giúp giảm đau họng nhờ các chất dinh dưỡng thực vật có tác dụng giảm viêm và sưng tấy cũng như hồi phục sức khỏe.
Hơn nữa, trà hoa cúc không chứa caffeine - điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể nhâm nhi tách trà hoa cúc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.
2.2. Trà nghệ
Củ nghệ chứa một số hợp chất có thể giúp giảm đau họng bằng cách giảm viêm, ngăn ngừa và hạn chế các nhiễm trùng. Đồng thời trà nghệ có tác dụng thúc đẩy hệ miễn dịch hoạt động mạnh mẽ cũng như làm tê cổ họng để giảm đau.
Theo Medical News Today, trà nghệ có thể được sử dụng giảm đau họng bằng cách pha sẵn từ bột nghệ hoặc củ nghệ tươi trong nước sôi và ủ trong vài phút. Bạn có thể thêm nước cam để tăng hương vị và bổ sung vitamin C.
2.3. Trà xanh
Trà xanh là một thức uống giá rẻ không còn xa lạ với nhiều người Việt. Trà xanh giàu chất chống oxy hóa và chống viêm thích hợp là một lựa chọn nên được ưu tiên khi bị viêm đau họng. Cụ thể, những đặc tính này đến từ một hợp chất gọi là epigallocatechin-3-gallate giúp làm giảm các protein gây viêm trong cơ thể bạn.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng trà xanh có chứa caffeine nên bạn không nên uống loại nước ngày cả ngày, đặc biệt là nếu bạn có cơ địa nhạy cảm với caffein và muốn thư giãn để nhanh hồi phục hay không muốn mất ngủ vào buổi tối.
Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn về liều lượng và khuyến nghị đối với bệnh cảm lạnh thông thường, nhưng điều này cho thấy trà xanh có thể là một phương pháp điều trị đơn giản, hiệu quả cho bệnh viêm họng tại nhà.
Ngoài ra, việc ngâm trà xanh đúng cách cũng rất quan trọng. Nếu ngâm quá lâu trong nước có thể khiến trà bị đắng - vì thế, 3 phút là vừa đủ để trà có vị thơm ngon.
2.4. Trà rễ cam thảo
Mặc dù trà rễ cam thảo có mùi vị hơi khó uống nhưng nhiều nghiên cứu đã cho thấy những lợi ích của trà rễ cam thảo trong việc giảm đau do viêm họng.
Một nghiên cứu năm 2003 trên tạp chí British Medical Journal đã kết luận rằng, rễ cam thảo khi kết hợp với các loại thảo mộc khác có thể giúp làm dịu họng trong 30 phút. Nhưng nhược điểm lại là cần phải tiêu thụ rễ cam thảo thường xuyên để nhận được hiệu quả mong muốn.
Một nghiên cứu gần đây hơn năm 2019 được công bố trên tạp chí Biomedicines cho thấy trà rễ cam thảo có đặc tính kháng khuẩn giúp giảm đau do đau họng. Điều này là nhờ hai hợp chất trong rễ cam thảo là Liquilitin và Liquiritigenin hoạt động như thuốc long đờm, nghĩa là chúng làm lỏng chất nhầy và giúp ho dễ dàng hơn. Ngoài ra, rễ cam thảo còn chứa Glycyrrhizin hoạt động như một chất làm dịu họng, có nghĩa là nó cung cấp một lớp phủ bảo vệ cổ họng của bạn và có thể ngăn ngừa kích ứng khi bạn nuốt.
Mặc dù các nhà nghiên cứu lưu ý rằng cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận những phát hiện này, nhưng đây là một bước tiến tuyệt vời để hỗ trợ việc sử dụng các loại thuốc bổ sung nhằm giúp mọi người giảm bớt cơn đau họng.
2.5. Trà gừng
Gừng có chứa hợp chất gingerols và shogoals có tác dụng giảm đau và chống viêm, từ đó có thể làm dịu cơn đau họng.
Ngoài tác dụng làm dịu, trà gừng còn có thể giúp bạn chống lại cảm lạnh hoặc cúm. Theo Insider, một số nghiên cứu khoa học cho thấy gừng có thể có đặc tính kháng khuẩn có thể giúp chống lại nhiễm trùng do virus có thể dẫn đến đau họng.
Tuy vậy, chúng ta cần nghiên cứu thêm để xác định xem trà gừng có thể giúp bạn chống lại bệnh tật hay không, nhưng không có hại gì khi thử uống trà gừng khi bạn đang bị đau họng.
Khi nào đau họng cần thăm khám bác sĩ?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng đau họng của bạn kèm theo bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Khó thở hoặc khó nuốt
- Có máu lẫn trong nước bọt
- Chảy dãi quá mức ở trẻ nhỏ
- Sưng và đau khớp
- Phát ban
- Mất nước
- Sốt cao không giảm khi dùng thuốc hạ sốt
- Các triệu chứng nghiêm trọng hơn theo thời gian.
3. Câu hỏi thường gặp
- Trà có chữa được bệnh viêm họng không?
Mặc dù trà có thể cung cấp lượng nước cần thiết cho người bị đau họng cũng như hưởng các lợi ích nhờ các thành phần có trong trà. Nhưng thức uống này không thể ngăn chặn hoàn toàn cơn đau họng.
Chính vì thế mà bạn không nên coi trà là một phương pháp điều trị đau họng thay cho các biện pháp chỉ định của bác sĩ.
- Đau họng uống gì là tốt nhất?
Ngoài trà thì nhìn chung khi bị đau họng bạn nên uống các loại đồ uống nóng là tốt nhất để họng được làm dịu và giảm kích ứng.
Các loại súp ấm như súp gà, súp xương hầm với các loại thảo mộc và gia vị không chỉ cung cấp nước cho cơ thể mà còn giúp bổ sung chất dinh dưỡng cũng như các hợp chất chống viêm quan trọng để làm dịu cơn đau họng.