Thông minh, nhanh nhẹn nhưng 3 tuổi vẫn không biết nói

10/08/2017 - 13:35
Nhìn cậu bé 3 tuổi nhanh nhẹn, cái gì cũng biết, chỉ trừ “không biết nói”, ai cũng… cám cảnh. Cũng chỉ vì bố mẹ cả ngày bận tối mắt tối mũi với việc bán hàng, để mặc cậu bé lủi thủi một mình…
bechamnoi.jpg
Không có người giao tiếp nên cậu bé 3 tuổi con chị Huyền vẫn chưa biết nói. Ảnh: T.H

Nhà có cửa hàng bán đồ trẻ em, khách mua bán nườm nượp nên vợ chồng chị Huyền (Nghi Tàm, Hà Nội) bận tối mắt tối mũi suốt ngày. Sinh con xong, nghỉ ngơi hơn chục ngày, chị đã ra bán hàng vì không muốn gián đoạn việc kinh doanh. Cửa hàng đông khách khiến vợ chồng chị ham, không dám nghỉ một ngày nào, kể cả khi con ốm sốt.

Ông bà nội hỗ trợ vợ chồng chị trông con, nhưng, khách hàng nườm nượp nên ông, bà cũng hay “vứt” cháu một chỗ để giúp vợ chồng con trai bán hàng. Cậu bé quanh năm suốt tháng làm bạn với tivi, ipad. Khi cần gì thì chỉ cần chỉ vào thứ đó, người lớn trong nhà lập tức đáp ứng để còn có thời gian còn bán hàng. Cậu khóc lóc, mè nheo thì liền được “hối lộ” bằng món đồ yêu thích. Đúng ở lứa tuổi tập nói nhưng không có ai giao tiếp, nói chuyện cùng nên giờ gần 3 tuổi, cậu vẫn chưa thể nói từ nào.

Cậu bé hoàn toàn không phải đứa trẻ tự kỷ vì tương tác rất tốt với cô giáo, các bạn ở lớp. Cô giáo nhờ việc gì bé cũng biết làm và bắt đầu tập nói những từ đầu tiên. “Tống” con đi lớp, bố mẹ cậu bé cũng chỉ biết phó mặc cho nhà trường và cô giáo. Họ bận đến mức, sáng nhờ cô giáo đón, hết ca lúc tối muộn, cô giáo sẽ đưa con về. Về đến nhà, cậu bé chỉ chơi một chút rồi ngủ, gần như không được dạy dỗ gì.

ipad.jpg
Trẻ suốt ngày làm bạn với ipad sẽ ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ. Ảnh minh họa

Chuyên gia ngôn ngữ Vũ Ngọc Thương (Trung tâm Nghệ thuật Mr Thương) cho rằng, ở lứa tuổi tập nói, nhiều cha mẹ chiều con đến mức con cần gì là được đáp ứng ngay lập tức dù con chưa “nói ra mồm”. Chỉ cần con khóc, cha mẹ đã tự động lấy hết đồ chơi nọ đến đồ chơi kia. Chỉ cần nhìn theo ánh mắt của con, cha mẹ biết con cần gì, muốn gì. Việc đáp ứng mọi thứ tức thì của cha mẹ khiến con không cần sử dụng ngôn ngữ nên trẻ chậm nói là lẽ đương nhiên.

Theo bác sĩ Anh Nguyễn (Vương quốc Anh), báo cáo viên của Viện Hoàng gia Nhi khoa Anh Quốc đã nhấn mạnh: Cha mẹ thiếu giao tiếp với con trẻ là đang làm nghèo chúng về mặt tinh thần và sức khỏe. Những nghiên cứu cho thấy, trẻ ít được trò chuyện từ lúc nhỏ sẽ có khuynh hướng học hành kém, thích chơi game điện tử, dễ béo phì và tim mạch nếu so với các bé giao tiếp tốt với cha mẹ.

Trẻ cũng dễ sa ngã vào ma túy, hút thuốc và dễ bị lạm dụng tình dục khi đến tuổi dậy thì nếu cha mẹ không trò chuyện với con. Những nhân viên dễ bỏ công việc, ít hòa đồng, không bao giờ có tố chất lãnh đạo bởi vì lúc nhỏ họ chưa bao giờ được cha mẹ dành thời gian trò chuyện hơn 30 phút/ngày.

giaotiep2.jpg
Cha mẹ "làm giàu" cho con bằng việc thường xuyên giao tiếp, nói chuyện với con. Ảnh minh họa

Bác sĩ Anh Nguyễn khuyên các cha mẹ “làm giàu” con trẻ bằng việc giao tiếp, nói chuyện với con hàng ngày. Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, mẹ và cha có thể nói điều hay lẽ phải cho bé nghe. Cha mẹ ít cãi nhau, ít kể tật xấu lẫn nhau vì bé sẽ nghe được.

Khi bé được sinh ra, mẹ tương tác da kề da với bé và thì thầm cho bé nghe.

Từ khi sinh ra đến 5 tháng tuổi: Mẹ thường xuyên da kề da thì thầm, mát-xa cho bé, giúp bé vận động một số trò chơi phát triển trí não.

Từ 6 tháng đến 1,5 tuổi: Thường xuyên nói bé nghe những việc bạn làm với bé như thay tã bé như thế nào, tắm bé ra sao,...

Từ 3 đến 7 tuổi: Nói chuyện gợi mở tình huống để bé tìm hướng giải quyết.

Từ 10 đến 16 tuổi: Đây là độ tuổi khá nhạy cảm, rất dễ nổi loan, cha mẹ nên lắng nghe và trò chuyện, đừng bắt con phải làm theo ý bạn, mà hãy cho con biết con có nên làm hay không nên làm. Hãy cổ vũ con mỗi khi con gặp khó khăn. Đừng lúc nào cũng nói con sai trước khi nghe hết câu chuyện con kể.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm