Tuy nhiên, theo Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài năm 2009 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cơ quan đại diện, các chế độ quy định tại luật chỉ áp dụng đối với các thành viên cơ quan đại diện và gia đình. Vì vậy, dẫn đến tình trạng trên cùng một địa bàn công tác, cùng hưởng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, thành viên các cơ quan khác của Việt Nam không được hưởng cùng một chế độ như thành viên cơ quan đại diện.
Hiện nay, các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài gồm các văn phòng đại diện của Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, 2 Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp và Lào (thuộc Bộ VHTT&DL), 2 Văn phòng Xúc tiến thương mại (thuộc Bộ Công thương) tại Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Do đó, Chính phủ kiến nghị thành viên các cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài và phu nhân/phu quân cũng được hưởng các chế độ quy định tại Luật Cơ quan đại diện và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cơ quan đại diện.
Đồng thời, Chính phủ cũng kiến nghị đối tượng là phu nhân/phu quân không thể đi theo thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được tiếp tục hưởng chế độ 50% sinh hoạt phí như quy định tại Nghị định số 48/2012/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 157/2005/NĐ-CP.
Trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, việc Chính phủ rà soát chính sách hiện hành áp dụng của thành viên cơ quan đại diện và thành viên cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài và đề nghị mở rộng đối tượng thụ hưởng so với các đối tượng quy định tại Điều 26 của Luật Cơ quan đại diện theo hướng cho áp dụng chế độ, chính sách đối với thành viên các cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài là phù hợp và cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, Ủy ban Đối ngoại tán thành với đề nghị của Chính phủ cho phép các cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài được hưởng các chế độ như thành viên cơ quan đại diện, nhằm bảo đảm sự thống nhất trong việc thực hiện chính sách đối với các thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài trên cùng một địa bàn công tác, cùng hưởng kinh phí từ ngân sách Nhà nước.
Đồng thời Ủy ban Đối ngoại cho rằng, chế độ đối với phu nhân/phu quân không thể đi theo thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài là nguồn động viên, hỗ trợ thiết thực, góp phần yên tâm công tác, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ công tác nhiệm kỳ tại các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.
Ủy ban Đối ngoại kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc thành viên các cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài và phu nhân/phu quân cũng được hưởng các chế độ như quy định tại Luật Cơ quan đại diện theo Báo cáo của Chính phủ và cho phép Chính phủ ban hành nghị định chung quy định chế độ, chính sách đối với cả các thành viên cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc Chính phủ quy định thành viên các cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài và phu nhân/phu quân cũng được hưởng các chế độ chính sách giống như quy định tại Luật Cơ quan đại diện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có kết luận nội dung phiên họp, trên cơ sở đó Chính phủ có căn cứ để ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành theo đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục theo luật định, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho hay.