Thống nhất đưa bình đẳng giới vào đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi 2021 - 2030

18/11/2019 - 15:38
Với tỷ lệ 89,44% số ĐBQH tán thành, Nghị quyết về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 chính thức được Quốc hội biểu quyết thông qua vào chiều nay (18/11). Bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em là nội dung được bổ sung vào đề án sau nhiều ý kiến đề xuất.

Chiều nay (18/11), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Đề án ổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Kết quả có 89,44% số đại biểu thông qua đề án. Có 2 đại biểu không tham gia biểu quyết.

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về đề án 

Trước đó, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước các ý kiến được tiếp thu và chỉnh lý thông qua thảo luận về Đề án cho biết, nội dung về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp bách đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số được nhiều đại biểu quan tâm, đề xuất bổ sung vào đề án.

Theo cơ quan này, nhiều ý kiến đề nghị cần có chính sách rõ ràng hơn để bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới, giải quyết kịp thời, toàn diện những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em DTTS trong các nhiệm vụ, giải pháp liên quan của đề án.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã thể hiện nội dung này thành một dự án riêng trong Dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, để thực hiện được nội dung này, rất cần sự chung tay của các cơ quan, tổ chức, các ngành, các cấp chăm lo đến phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, về việc làm, về sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập; tạo mọi điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia công tác xã hội nhiều hơn.

Cụ thể, nội dung này được nằm trong 10 dự án quan trọng của Đề án, thuộc phần Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030. Trong đó nêu rõ: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.

Trước đó, nội dung này được một số ĐBQH và cơ quan thẩm tra đề xuất bổ sung trong quá trình thảo luận về Đề án. Theo đó trong quá trình thẩm tra, Hội đồng Dân tộc Quốc hội vẫn chưa thấy có đề cập về vấn đề bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Khoảng cách giới còn rất lớn và tồn tại ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, đề nghị đưa các vấn đề về giới, nguyên tắc lồng ghép giới xuyên suốt trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án; cần đưa ra các chỉ tiêu cụ thể về thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới ở vùng DTTS & MN.

Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em nhằm nâng cao chất lượng dân số các DTTS là một trong những nội dung quan trọng, bức thiết hiện nay. Vì vậy, nội dung này cần được ưu tiên trong Đề án và phân bổ ngân sách thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo.

Nghi quyết thông qua Đề án vào chiều nay cũng thống nhất một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 như:

- Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020;

- Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm giảm trên 3%;

- 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% số dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% dân số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

Ảnh minh họa

- Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch.

- Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học phổ thông trung học trên 60%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông trên 90%.

- Tăng cường công tác y tế để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 98% dân số dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế.

- 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số.

- Trên 80% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm