Thủ đoạn mới: Đe dọa trực tuyến đối với trẻ em

Đinh Thu Hiền
24/09/2021 - 11:06
Thủ đoạn mới: Đe dọa trực tuyến đối với trẻ em

Ảnh minh họa

Đe dọa, bạo lực và quấy rối trực tuyến với trẻ em để nhằm chiếm đoạt group Facebook là thủ đoạn mới trên mạng xã hội thời gian gần đây.

Vào đầu tháng 8/2021, "một sự việc liên quan đến đe dọa, bạo lực và quấy rối trực tuyến nhắm đến đối tượng là một nhóm các bạn nhỏ dưới 16 tuổi đã được báo cáo tới đường dây nóng CyberHotline của CyberKid. Sau thời gian tìm hiểu và thu thập thêm thông tin, chúng tôi và các bạn nhỏ đã quyết định lên tiếng cùng nạn nhân và đưa sự việc này ra ánh sáng", thông tin từ CyberKid Việt Nam đưa ra khiến nhiều người lớn bất ngờ. CyberKid Vietnam là tổ chức xã hội đầu tiên tại Việt Nam bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trước các mối đe dọa an toàn thông tin trên không gian mạng.

Bắt nạt, đe dọa trực tuyến bao gồm rất nhiều hành vi: bôi nhọ, nói xấu, vu khống, dọa nạt... Với người lớn, cách hành xử cao nhất để chống lại các hành vi này là đưa ra pháp luật. Còn với trẻ em thì do sợ hãi, không dám chia sẻ với người lớn, chưa đủ nhận thức và hiểu biết để chống đỡ với sự việc đang xảy tới, nên các con có thể bị khủng hoảng tâm lý, rơi vào các trạng thái tâm lý tiêu cực và vô cùng nguy hiểm.

Theo Cyber Kid, nạn nhân trong vụ việc lần này là một nhóm các em nhỏ dưới 16 tuổi, hiện đang là admin của nhóm Facebook "XY". Nhóm này được thành lập vào năm 2018 với mục đích tạo nguồn cảm hứng, động lực học tập cho cộng đồng các bạn học sinh, sinh viên. Sau thời gian dài với những hoạt động chia sẻ tích cực, giữa năm 2021, nhóm đã đạt cột mốc hơn 30.000 thành viên.

Thủ đoạn mới: Đe dọa trực tuyến đối với trẻ em - Ảnh 1.

Minh họa: CyberKid

Vào lúc 11h ngày 16/6/2021, tài khoản giả mạo H.T.P đã nhắn tin cho một bạn trong Ban quản trị của nhóm (group) để hỏi mua group nhưng tất cả thành viên trong Ban quản trị đều không đồng ý nên đã chặn tài khoản lạ này. Ngày 16/6/2021, tài khoản D.L, được xác định là đồng bọn của H.T.P, tiếp tục nhắn tin cho quản trị viên với những lời lẽ đe dọa gay gắt hơn. Theo đó, nếu không bán group thì hình ảnh cá nhân của bạn quản trị viên sẽ được ghép bởi những hình phản cảm và sẽ phủ sóng toàn Facebook kèm với những đường link gắn mã độc. Trên thực tế, có một bạn nhỏ đã phải chịu đựng hành vi đáng lên án này.

Các tấn công khác sau đó dồn dập hơn. Các bạn nhỏ liên tiếp nhận được sự đe dọa không chỉ của một người mà còn nhiều tài khoản giả mạo khác. Các tài khoản này đã liên tục nhắn tin để nhằm khủng bố tinh thần, buộc các em phải giao nộp group. Để mọi chuyện êm xuôi, trưởng nhóm "XY" đã đại diện các admin bị đe dọa, dùng thái độ ôn hòa để thương lượng với tài khoản D.L. Tuy nhiên, các tài khoản lạ này liên tục gây sức ép trầm trọng hơn khiến trưởng nhóm group đành phải giao quyền quản trị cho bọn họ để bảo đảm sự an toàn về danh dự và tâm lý cho các admin nhỏ tuổi hơn.

Ngay sau khi nắm được quyền trong tay, lập tức những tài khoản lạ này đã "đẩy" các bạn nhỏ ra khỏi nhóm, khóa hết tất cả các tài khoản mạo danh từng liên lạc với các bạn để không còn truy lùng được dấu vết.

Các nạn nhân nhỏ tuổi đã quyết định lập một fanpage để phơi bày vụ việc. Điều đáng nói là khi fanpage công bố về sự việc, có không ít bạn nhỏ khác đã chia sẻ rằng các group học tập do chính mình tạo ra và xây dựng cũng từng rơi vào trường hợp tương tự. Thậm chí có bạn đã bị chúng cho lên ảnh nhạy cảm và link gắn mã độc. Nhận thấy tính nghiêm trọng của sự việc, các nạn nhân đã liên hệ với CyberKid để được hỗ trợ. Các em mong muốn thông qua các sự việc này để làm hồi chuông cảnh báo các bạn trẻ khác đang trong tầm ngắm của những kẻ xấu trên mạng xã hội. Đồng thời mong muốn truyền thông vào cuộc để nâng cao nhận thức cộng đồng về tình trạng đe dọa, bắt nạt trực tuyến.

Mối nguy hại lớn cho trẻ em

Theo CyberKid, thời gian gần đây, có không ít hội nhóm Facebook với tương tác cao đã bị đe dọa, tống tiền và rồi bị cướp một cách trắng trợn. Trong đó, nạn nhân phần lớn là trẻ em. Nếu các con không có nhận thức về việc đe dọa, bắt nạt trực tuyến thì sẽ rất dễ bị tấn công và rơi vào khủng hoảng về tâm lý trầm trọng.

Theo thống kê trên trang nobullying.com, bắt nạt trực tuyến là nguyên nhân của khoảng 4.400 vụ tự tử mỗi năm, 100 nỗ lực tự sát của trẻ em và rất nhiều vụ ngược đãi bản thân và trầm cảm khác.

Để hỗ trợ trẻ em trong vấn đề này, CyberKid đã đưa ra nhiều giải pháp và đồng hành cùng các em. Tổ chức xã hội phi lợi nhuận này đã đưa CyberHotline vào hoạt động nhằm tiếp nhận thông tin và hỗ trợ, xử lý kịp thời các vụ việc trẻ em bị đe dọa, bắt nạt trực tuyến.

Tổ chức xã hội này hiện đang phát động chia sẻ các bài viết nằm trong chiến dịch "Speak to Stop" với hashtag #KnowSoonerActBetter để nâng cao nhận thức cộng đồng về đe dọa, bắt nạt trực tuyến.

Đe dọa, bắt nạt trực tuyến và các hình thức tấn công qua mạng khác đang trở thành "dịch bệnh" nguy hiểm và đáng báo động. Vấn nạn này sẽ không dừng lại cho đến khi xã hội cần lên tiếng, pháp luật cần vào cuộc để bảo vệ người lưu thông trên mạng xã hội, đặc biệt là trẻ em.

* Thông tin từ CyberKid: Hiện có 71% trẻ em Việt Nam sử dụng internet. 188 phút là thời gian trung bình của 1 đứa trẻ dành để sử dụng internet mỗi ngày. Hàng ngày, trên thế giới có khoảng 720 ngàn bức ảnh về lạm dụng tình dục trẻ em được tung lên mạng.

* Trẻ em trực tiếp chịu ảnh hưởng từ các cuộc tấn công trên mạng và những người chứng kiến vụ việc có thể liên hệ trực tuyến miễn phí thông qua địa chỉ website https://cyberkid.vn/giai-phap-cua-cyberkid/cyberhotline/

Theo CyberKid, quy trình phản ứng của CyberHotline bắt đầu bằng việc tiếp nhận thông tin với sự thấu cảm. Tư vấn viên sẽ đặt bản thân mình vào trường hợp của người liên lạc, từ đó liên hệ và tiến hành xử lý trong vòng 90 phút.

Các tư vấn viên sau đó sẽ tìm hiểu và tư vấn cho người liên hệ theo 4 khía cạnh về pháp lý, tâm lý, công nghệ và thực tiễn. Không chỉ dừng lại ở việc tư vấn trực tuyến, các hoạt động ứng cứu sẽ được tiếp nối bởi mạng lưới hỗ trợ trên mặt đất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm