pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vấn nạn bắt nạt trực tuyến đe dọa các nữ nhà báo
Vấn nạn bắt nạt trực tuyến đe dọa các nữ nhà báo. Ảnh minh họa: AP
Vừa qua, UNESCO vừa công bố kết quả của Giải thưởng Cano Guillermo cho Tự do Báo chí. Đây là giải thưởng vinh danh những người, tổ chức, cơ sở có đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ hoặc thúc đẩy tự do báo chí ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nhất là phải đối mặt với nguy hiểm để tác nghiệp.
Lần này, giải thưởng thuộc về nhà báo người Philippines, bà Maria Ressa. Ressa từng là nhà báo điều tra làm việc tại khu vực Đông Nam Á cho đài truyền hình CNN (Mỹ).
Hoạt động trong lĩnh vực báo chí, Ressa đã mạo hiểm sự an toàn của bản thân mỗi ngày để điều tra và khám phá sự thật đằng sau nhiều vụ án. Chính vì vậy, bà từng là nạn nhân của nạn bắt nạt trực tuyến và chịu nhiều áp lực thông qua mạng xã hội.
Năm 2016, mỗi giờ có đến 90 tin nhắn trực tuyến mang thái độ thù địch gửi đến cho Ressa. Đa phần bắt nguồn từ thái độ khinh thường phụ nữ và phân biệt chủng tộc.
Tuy nhiên, Ressa không phải là trường hợp duy nhất. Các nữ nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đã và đang bị bắt nạt trực tuyến vì "dám" hành nghề báo chí khi bản thân là phụ nữ. Dữ liệu thống kê cho thấy, vào năm 2014, có 23% các nữ nhà báo tham gia khảo sát của UNESCO trả lời rằng mình đã bị đe dọa, xúc phạm hoặc uy hiếp trực tuyến liên quan đến công việc. Tuy nhiên, đến tháng 12/2020, tỉ lệ này đã tăng vọt lên mức 73%.
Kết quả nghiên cứu về vấn nạn bắt nạt trực tuyến đối với các nữ nhà báo
Các nữ nhà báo từ 120 quốc gia hiện đã lên tiếng trong một nghiên cứu mới do UNESCO ủy quyền và được thực hiện bởi Trung tâm quốc tế dành cho nhà báo (ICFJ) để mô tả cách thức họ đã bị bắt nạt trực tuyến. Hầu hết những người tham gia nghiên cứu là những nhà báo làm việc cho các hãng thông tấn và truyền hình như BBC, CNN, Al Jazeera và The Guardian.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các xu hướng bắt nạt trực tuyến bao gồm những lời đe dọa sẽ cưỡng bức, bắt cóc và lừa đảo. Nghiêm trọng hơn, một số nữ nhà báo rơi vào trường hợp bị công khai cáo buộc dùng tình dục để tác nghiệp. Hầu hết những nạn nhân này đều nhận được rất nhiều thư trực tuyến với các nội dung đe dọa, sai sự thật hoặc những hình ảnh phản cảm đã được chỉnh sửa và ghép mặt của họ vào.
Chia sẻ với các nhà nghiên cứu, nhiều nhà báo nữ xác nhận rằng, mình từng phải đến gặp bác sĩ để điều trị tâm lý. Một số còn cho biết, họ đã phải trải qua tình trạng PTSD (rối loạn stress sau sang chấn).
Không chỉ dừng lại ở bắt nạt trực tuyến, nhiều trường hợp các nữ nhà báo đã bị tấn công trong thực tế. Từ những lời đe dọa thông qua mạng xã hội, nạn nhân của các vụ việc còn bị tấn công về mặt thể xác hoặc bị bạo hành bằng lời nói. Trường hợp này xảy ra với hơn 50% các nữ nhà báo Ả Rập tham gia vào nghiên cứu.
Tuy nhiên, vấn nạn bắt nạt trực tuyến thực sự đã ảnh hưởng nhiều đến các nữ nhà báo. 30% nhà báo tham gia khảo sát cho biết họ đã tự "kiểm điểm" bản thân trên mạng xã hội. Trong khi đó, nhiều nhà báo chọn cách chuyển hướng tác nghiệp để đưa tin về các vấn đề ít "nóng" hơn. Ngoài ra, một số nhà báo chọn cách thôi việc.
Ảnh hưởng của bắt nạt trực tuyến
Bạo lực trực tuyến ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận, làm suy yếu ngành báo chí và mất dần niềm tin của bạn đọc đối với các tin tức. Ngoài ra, nó cũng ảnh hưởng đến sự đa dạng tin tức trên các phương tiện truyền thông. Phương tiện truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc đưa tin và tham gia vào tất cả các bên khi xảy ra tranh luận. Một khi đánh mất tiếng nói của các nhà báo trên các phương tiện truyền thông, những cuộc tranh luận dường như cũng sụp đổ.
Ngoài ra, các công ty truyền thông xã hội phải minh bạch hơn nhiều về cách họ đối phó với các báo cáo lạm dụng và yêu cầu xóa nội dung. Nhiều nhà báo đã bị buộc phải kiểm tra nguồn cấp dữ liệu truyền thông xã hội của riêng họ, sau đó trải qua một cuộc trao đổi khó khăn với các nền tảng máy chủ để xóa từng bình luận bắt nạt trực tuyến.