Ngay từ khá sớm, hàng nghìn người Sài Gòn đã đổ về các trung tâm thương mại để săn hàng giảm giá. Theo ghi nhận, 2 tụ điểm đông người đến mua hàng nhất là Trung tâm thương mại Takashimaya và Trung tâm thương mại Vincom, đều ở quận 1.
Đây là 2 nơi có nhiều nhãn hàng treo bảng giảm giá từ 10-50% - bao gồm cả những thương hiệu “hàng hiệu” nổi tiếng như H&M, Zara, Mango… Chính sức hút của các thương hiệu này đã khiến cho lượng khách đổ về 2 trung tâm thương mại này càng ngày càng đông.
Buổi trưa, ước có khoảng 200 người đổ về các gian hàng của H&M ở Vincom, thì đến chiều lượng người tập trung ở đó đã tăng lên gấp đôi.
Đặc biệt, ở H&M có bán đồng giá 150.000 đồng một số sản phẩm nên thu hút rất nhiều bạn trẻ đến mua sắm.
Các loại quần áo trẻ em của cửa hàng Zara ở Vincom Đồng Khởi cũng có giá khá mềm chỉ từ 169.000 đồng.
Quần áo thương hiệu Zara dành cho người lớn cũng có nhiều sản phẩm khá bình dân với giá 200.000 - 500.000 đồng.
Như mọi năm, mặt hàng ăn theo Black Friday nhiều nhất ở Việt Nam là quần áo.
Các quầy thanh toán luôn trong tình trạng quá tải, người mua phải xếp chờ rất lâu để được trả tiền. Nhiều người cho biết, họ chấp nhận nhịn bữa trưa để chờ thanh toán tiền với khoảng 10 món hàng.
Tại trung tâm thương mai Takashimaya, cửa hàng túi xách thương hiệu cao cấp Furla áp dụng chương trình giảm giá phổ biến 20-50% cho hàng trăm sản phẩm kéo dài từ ngày 24/11 đến 31/11 thu hút đông đảo khách hàng nữ.
Tại đây, nhiều mặt hàng mỹ phẩm, quần áo trẻ em sale đến 50% được đông đảo khách hàng lựa chọn.
Không chỉ các trung tâm thương mại, các cửa hàng bán lẻ hay hệ thống thương hiệu, mà một số điểm bán hàng giảm giá khác cũng được mở ra trong ngày “Thứ Sáu đen”. Ví dụ như một hội chợ ở sân vận động Hoa Lư (quận 1, TPHCM), có hàng loạt gian hàng đua nhau treo bảng giảm giá, thu hút hàng ngàn bạn trẻ tới mua sắm.
Không gian chật hẹp lại nhiều gian hàng nên chủ quán thường xuyên phải đứng trên cao để dễ bán hàng. Dù không phải hàng hiệu, nhiều món hàng cũng khá “tù mù” về thương hiệu, xuất xứ, nhưng do đều có giá rất rẻ nên giới tiêu dùng bình dân vẫn “xúm đen xúm đỏ” lựa chọn, mua sắm tới tấp.
Cao điểm mua sắm chính là vào cuối giờ chiều, đầu tối, khi lượng người đổ về các trung tâm thương mại lớn tăng đột biến, khiến nhiều tuyến đường bị ùn tắc nghiêm trọng. Lúc này, một cơn mưa to lại đổ xuống thành phố, càng khiến giao thông trở nên hỗn loạn.
Đến gần 20 giờ tối, nhiều điểm mua sắm vẫn còn rất đông đúc.
Theo nhận xét của một số người đi mua sắm, gian hàng của các thương hiệu quốc tế là những nơi có khuyến mãi, giảm giá thật sự. Mặc dù vậy, không phải dễ để có thể tìm kiếm được những món hàng vừa ưng ý, vừa rẻ. Còn ở nhiều cửa hàng khác thì vẫn có tình trạng “ăn theo”, lợi dung danh nghĩa “Thứ Sáu đen” để “lòe” người mua sắm bằng các “chiêu thức” thiếu trung thực.
Vì thế, những người chưa có kinh nghiệm “săn” hàng khuyến mãi có thể bị “dính bẫy”, mua những sản phẩm được “quảng cáo” giảm giá 40-50% nhưng thực chất là đắt hơn bình thường.
“Black Friday” phiên bản Việt dẫu sao cũng có những “biến tướng” so với “nguyên bản”…