Thử thách của phụ huynh với mong ước con trở thành "công dân toàn cầu"

PV
01/04/2022 - 11:40
Nắm bắt tâm lý để con trở thành "công dân toàn cầu" trong thời đại 4.0 của các bậc phụ huynh, các trường quốc tế tận dụng những yếu tố ngoại quốc trong chương trình giảng dạy, đội ngũ giáo viên để quảng bá, với mong muốn thu hút sự đầu tư vào giáo dục. Đây là điều kiện cần, nhưng thực sự đã đủ?
Trở thành công dân toàn cầu dưới mái trường quốc tế

Chỉ với vài thao tác gõ phím, chân dung "Công dân toàn cầu" có thể hiện ra trước mắt các bậc phụ huynh với vô vàn định nghĩa phong phú. Không chỉ gói gọn trong việc đề cập đến những người sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia, khái niệm này còn đại diện cho những người có vốn hiểu biết đa dạng, từ kiến thức đến văn hóa của nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả văn hóa nơi đất nước họ sinh ra và lớn lên. Những công dân này sẽ góp phần mang thế giới đến gần nhau hơn, thông qua việc chia sẻ và trao đổi kiến thức, cùng nhau trau dồi các kỹ năng thiết yếu để phát triển bản thân và từ đó phát triển cộng đồng.

"Xác định đầu tư giáo dục cho con là đầu tư lâu dài, có bài bản, tôi rất chú trọng chuyện chọn trường cho con, vì đây là nơi con sẽ dành rất nhiều thời gian để sinh hoạt, học tập và trưởng thành. Thời của mình chưa có đủ điều kiện, không được tiếp xúc với ngoại ngữ, với thế giới bên ngoài, đến khi ra đời còn nhiều bỡ ngỡ. Đó là điều gia đình không muốn các con phải trải qua. Vậy nên, tôi cho con vào trường quốc tế, đầu tiên là để cải thiện môi trường học tập, tiếp theo là giúp con phát triển kỹ năng tư duy, độc lập, sau này ra nước ngoài cũng không mất nhiều thời gian hòa nhập." Chị Liên Tâm, phụ huynh có con đang theo học lớp 6 một trường quốc tế trong thành phố, cho biết.

Thử thách của phụ huynh với mong ước con trở thành "công dân toàn cầu" - Ảnh 1.

Trẻ phát triển kỹ năng tự lập trong môi trường quốc tế thông qua các dự án học tập

Tiếp lời với chia sẻ trên, anh Duy Tín, phụ huynh có con đang học lớp 5 một trường công lập cho biết, gia đình đang cân nhắc cho con vào trường quốc tế vào năm sau. "Từ trường công qua trường quốc tế là một bước chuyển lớn, nhưng sẽ xứng đáng với tương lai con. Sau những lần tham quan trường, trao đổi cùng đại diện trường, gia đình cảm thấy an tâm hơn khi đưa con vào trường quốc tế, cho con làm quen với môi trường đa dạng sắc tộc, văn hóa, tiếp xúc với giáo viên ngoại quốc, để sau này có thể tự tin trở thành công dân toàn cầu."

Sự tồn tại của khái niệm này càng khiến các bậc phụ huynh quan tâm đầu tư vào giáo dục không khỏi băn khoăn khi chọn lựa nơi để gửi trao sự tin cậy, giúp nuôi dạy con thành một công dân toàn cầu tiêu biểu.

Bản sắc dân tộc và truyền thống văn hóa

Theo cách lý giải của các bậc phụ huynh chọn trường quốc tế cho con, môi trường học tập cùng yếu tố con người góp phần không nhỏ trong việc giúp con trở thành công dân toàn cầu. Tuy vậy, môi trường giao thoa đa dạng giữa các nền văn hóa, ở một chừng mực nào đó, vô hình chung đã làm "loãng" nồng độ văn hóa truyền thống Việt Nam. Điều này có thể tạo ra những công dân toàn cầu với nền tảng văn hóa truyền thống thiếu chắc chắn.

"Mình từng rất hãnh diện khi khoe các con nói tiếng Anh giỏi, nhưng điều này nhiều khi cũng khiến mình cảm thấy sự mất kết nối trong gia đình, vì con sử dụng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt, nên dễ đứt gãy khi cả nhà cùng trò chuyện. Con lưu loát tiếng Anh là tốt, nhưng xa rời tiếng Việt là điều mình không muốn xảy ra." chị Thùy, phụ huynh có 2 con đang học lớp 8 & lớp 10 tại trường quốc tế cho biết.

Không chỉ biểu hiện qua ngôn ngữ, trẻ học trường quốc tế còn có khả năng đối diện với việc thiếu hụt các trải nghiệm văn hóa để hiểu hơn về văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc. Một trong những giải pháp được nhiều phụ huynh ủng hộ là bên cạnh việc tham gia các sự kiện, hoạt động văn hóa theo dịp do nhà trường tổ chức, trẻ cũng cần tăng cường tiếp xúc với văn hóa thông qua chương trình học, và đặc biệt là cộng đồng để hiểu và yêu nguồn cội của mình một cách sâu sắc hơn.

Thử thách của phụ huynh với mong ước con trở thành "công dân toàn cầu" - Ảnh 2.

Trẻ và ba mẹ gặp rào cản ngôn ngữ ngay trong chính gia đình

Tại cuộc trò chuyện trong khuôn khổ chương trình TEDxHanoi, Madame Tôn Nữ Thị Ninh đã chia sẻ về việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, nổi bật với suy nghĩ "Chúng ta không thể xây dựng tương lai nếu không hiểu và tôn trọng quá khứ. Không chỉ dừng ở quá khứ của bản thân, mà còn cần phải trau dồi để hiểu về quá khứ của xã hội, của dân tộc và đất nước. Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên thử thách yếu tố bản sắc, thật khó để xác định và định vị bản sắc trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay." Điều này cũng là lo ngại của quý phụ huynh khi cho con học trường quốc tế.

Là phụ huynh, chúng ta không thể phủ nhận các ưu điểm mà trường quốc tế mang lại cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, cũng cần nhận diện rõ ràng những trăn trở đang tồn tại trong chính môi trường đó, để đưa ra những chọn lựa đúng đắn, cho con một nền tảng bản sắc vững chắc trước những thay đổi nhanh chóng của thế giới hiện nay. Đặc biệt, trong thời đại 4.0, khi những kết nối toàn cầu trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết, đâu sẽ là điểm khác biệt, là linh hồn và nền tảng văn hóa để giúp một đứa trẻ tự tin vào bản thân, phát huy tiềm năng của mình và mạnh dạn bước ra thế giới?

Và qua đây, có thể thấy rằng, có lẽ không hoàn toàn sớm khi chúng ta bắt đầu suy nghĩ về một mô hình trường học mới, không hẳn phải là trường quốc tế, mà đó là nơi có thể hội tụ những tinh hoa "quốc tế" tiên tiến nhất, đồng thời cũng truyền tải được những giá trị truyền thống riêng của Việt Nam, nơi sẽ tạo ra những công dân toàn cầu mang đậm bản sắc Việt.

Nguồn: Tự giới thiệu
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm