Kêu gọi bầu cử sớm với mong muốn tạo nền tảng vững chắc cũng như đạt được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của cử tri trong các cuộc đàm phán về việc Anh rời Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit, về mặt logic, vị nữ lãnh đạo của nước Anh cũng như đảng cầm quyền gần như nắm chắc trong tay chiến thắng. Trong bài phát biểu ngày 1/6 trước các cử tri tại Teeside, Thủ tướng May đã trình bày quan điểm lạc quan về quyết định Brexit. Bà nhấn mạnh rằng rời EU và có được một Brexit êm đẹp, Anh có thể trở thành một “quốc gia thương mại toàn cầu lớn”, mạnh hơn, công bằng và thịnh vượng hơn, một nước Anh tự tin, thống nhất và an ninh hơn.
Bà Theresa May phát biểu trước các cử tri tại Teeside ngày 1/6 |
Giới quan sát cho rằng việc Thủ tướng May đặt trọng tâm vào vấn đề Brexit trong bài phát biểu vận động tranh cử tại Tesside là một nước cờ có tính toán trong bối cảnh những người ủng hộ Công đảng vẫn đang chia rẽ sâu sắc về Brexit. Bài phát biểu của bà May nhằm ngăn sự ủng hộ đang gia tăng đối với Công đảng, đồng thời xoa dịu những lo ngại về chiến dịch tranh cử của đảng Bảo thủ, sau khi một nghiên cứu của YouGov ngày 31/5 dự báo đảng Bảo thủ có thể mất 20 ghế, trong khi số ghế của Công đảng có thể tăng thêm 30 ghế trong cuộc tổng tuyển cử cử ngày 8/6 tới.
Dù gần như nắm chắc chiến thắng trong tay, song mọi việc lại không hề dễ dàng với Thủ tướng Theresa May. Nếu không giành được đa số ghế trong quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8/6 tới, vị thế của bà May sẽ bị suy yếu trong các cuộc đàm phán chính thức về Brexit, đồng thời đẩy nước Anh vào hỗn loạn chính trị. Ngoài ra, bà May sẽ buộc phải đi tới một thỏa thuận với các đảng khác để tiếp tục lãnh đạo một chính phủ liên minh hoặc chính phủ thiểu số. Việc này sẽ gây hậu quả bất ổn đối với nền kinh tế Anh cũng như các chính sách của chính phủ về mọi vấn đề, từ chi tiêu của chính phủ, thuế công ty tới việc phát hành trái phiếu.
Cuộc đua gay cấn giữa bà Theresa May và thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn |
Ngoài ra, Đảng Bảo thủ cũng bị Công đảng, đảng Dân chủ Tự do, đảng Dân tộc Scotland, đảng Xanh chỉ trích về chính sách chăm sóc xã hội của đảng. Tuy nhiên, đảng Bảo thủ vẫn cho rằng chính sách của đảng là để giúp người già đảm bảo giữ được 1 số tiền nhất định và giúp hệ thống phúc lợi xã hội cho người già được bền vững. Đảng này cũng khẳng định cần cắt giảm lượng người nhập cư vào Anh để kiểm soát tốt nhiều vấn đề, từ an sinh cho đến an ninh xã hội.
Trong khi đó, đối thủ chính là Công đảng tập trung vào vấn đề cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua những chính sách an sinh xã hội như y tế, giáo dục, công bằng xã hội. Thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để có một thỏa thuận với Liên minh châu Âu.