pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thủ tướng chỉ đạo chống dịch viêm phổi cấp: Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân là mục tiêu cao nhất
Phát biểu kết luận cuộc họp đột xuất này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra là căn bệnh nguy hiểm, chưa có vắc xin, lây lan nhanh.
Thủ tướng phân tích Việt Nam đối mặt nhiều nguy cơ tiềm ẩn lây lan căn bệnh này do số khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đông. Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc. Trên thực tế đã có một số địa phương có người nhiễm bệnh.
“Chống dịch bệnh do virus corona gây ra như chống giặc”
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng, các ngành, các địa phương “không được chủ quan, coi thường” với mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe tính mạng của người dân, không được để dịch bệnh lây lan ở mức rộng; hạn chế đến mức tối đa tình trạng bệnh nhân tử vong do dịch bệnh này.
Thủ tướng cũng chỉ đạo không để tình trạng hoang mang dao động xảy ra; đồng thời nghiêm cấm tình trạng kỳ thị người bệnh.
Thủ tướng yêu cầu và đề nghị hệ thống chính trị tại tất cả 63 tỉnh, thành phố khẩn trương vào cuộc. Đặc biệt, các ngành chức năng, các tỉnh, thành phố phải chủ động kiểm soát, huy động toàn bộ các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, huy động hệ thống y tế có biện pháp cần thiết, khoanh vùng, không được để dịch bệnh này lan tràn tại địa phương mình; đồng thời không được phân biệt đối xử về quốc tịch gây tình hình phức tạp. Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn có hiệu quả sự lây nhiễm qua các con đường: du lịch, hàng không, đường thủy, đường bộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý Bộ Y tế cần có kịch bản chủ động trong mọi tình huống; nghiên cứu đưa ra phác đồ điều trị triển khai tại các cơ sở y tế được giao nhiệm vụ. Thủ tướng cho biết sẽ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng trên tinh thần cả hệ thống chính trị vào cuộc có quy chế công tác định kỳ; thường xuyên kiểm tra, có biện pháp dự phòng, chuẩn bị cả về nguồn tài chính, bệnh viện dã chiến; đảm bảo cơ số thuốc, trang thiết bị y tế.
Chính phủ chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân
Thủ tướng chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo Cấp quốc gia do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng ban để trực tiếp chỉ đạo vấn đề này.
Thủ tướng nhắc đến nhiệm vụ hàng đầu là đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân để đề phòng lây nhiễm; khuyến nghị phòng, chống dịch bệnh; trong đó hạn chế di chuyển nhiều trong dịp Tết, nhất là những vùng có dịch.
“Chính phủ chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân”, Thủ tướng nói và chỉ đạo tăng cường khâu giám sát, phát hiện mầm bệnh, đặc biệt là các cửa khẩu quốc tế đường không, đường thủy, đường bộ phải được trang bị máy đo thân nhiệt. Bộ Y tế công khai các cơ sở điều trị loại bệnh này để hạn chế di chuyển bệnh nhân làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.
Thủ tướng yêu cầu các hãng hàng không, lữ hành không đưa đón khách đến vùng có dịch; nghiêm cấm qua lại các đường mòn, lối mở. Người đi qua lại các cửa khẩu quốc tế phải được kiểm soát thân nhiệt và thực hiện các kiểm tra khác có liên quan.
Nhà nước sẽ trang bị khẩu trang cho các lực lượng biên phòng, hải quan, cán bộ cửa khẩu để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm, Thủ tướng cho biết và yêu cầu các cơ quan có chức năng cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định của Luật Xuất nhập cảnh, Luật Khám chữa bệnh. Đặc biệt, nghiêm cấm nhập khẩu, di chuyển động vật hoang dã vào Việt Nam và di chuyển đi các vùng, miền trong cả nước. Các cơ quan chức năng kiểm soát và quản lý người nước ngoài và người Việt để đảm bảo sức khỏe cho du khách.
Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát số lượng người Trung Quốc đang lao động tại Việt Nam để có phương án cần thiết đảm bảo sức khỏe.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thông tin chính xác kịp thời về dịch bệnh và nhất là các biện pháp phòng, chống dịch, cứu chữa người bệnh khi có triệu chứng để ổn định tình hình, đảm bảo cuộc sống yên bình cho nhân dân.
Tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát
Kể từ khi công bố trường hợp mắc bệnh đầu tiên cách đây gần 1 tháng tại Vũ Hán, đến nay đã ghi nhận 50 trường hợp bệnh xâm nhập tới 15 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 12 giờ ngày 27/1, trên toàn thế giới đã ghi nhận 2.797 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó có 80 trường hợp tử vong (đều tại TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và có 1 trường hợp là cán bộ y tế). So với ngày 26/1, số ca mắc tăng 779 trường hợp, tử vong tăng 24 trường hợp.
Tại Việt Nam, đã ghi nhận 63 trường hợp có triệu chứng sốt, có tiền sử đi về từ vùng có dịch, bao gồm 25 trường hợp đã được loại trừ nhiễm nCoV, 38 trường hợp tiếp tục theo dõi cách ly (bao gồm cả 2 trường hợp người Trung Quốc bước đầu dương tính với nCoV đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM trong tình trạng ổn định).
Bộ Y tế đã kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát, điều trị. Đặc biệt, ngành y tế đã tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu. Các cơ sở y tế, sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân, phòng chống lây chéo tại bệnh viện và lây nhiễm từ người bệnh sang nhân viên y tế.
Bộ Y tế đã cập nhật liên tục tình hình dịch nCov trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ; đã nâng mức đáp ứng cao nhất của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng; tổ chức ứng trực và báo cáo hằng ngày. Việc giám sát và tổ chức khai báo y tế bắt buộc đối với người nhập cảnh từ Trung Quốc được thực hiện từ 0 giờ ngày 25/1 (mùng 1 Tết) tại tất cả các cửa khẩu. Bộ Y tế nhận định mặc dù Việt Nam đã ghi nhận 2 trường hợp có xét nghiệm ban đầu dương tính với virus nCov là người Trung Quốc, đã tổ chức điều tra nhưng đến nay, tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát tốt.