Thủ tướng Đức Angela Merkel có cơ hội chấm dứt thế bế tắc chính trị

12/01/2018 - 18:35
Ngày 12/1, liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel đã đạt được thỏa thuận với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) nhằm thành lập một chính phủ liên minh kiểu mới, phá thế bế tắc chính trị kéo dài.
Sau hơn 24 giờ đàm phán căng thẳng, lãnh đạo của CDU/CSU và SPD đã đạt được thỏa thuận dài 28 trang về những nguyên tắc cơ bản để bắt đầu các cuộc đàm phán thành lập một chính phủ mới trong vài tuần tới. Việc đạt được thỏa thuận đã phần nào giúp giảm áp lực đối với Thủ tướng Angela Merkel và xóa tan những nghi ngại về sức ảnh hưởng của "quốc gia đầu tàu châu Âu" này trong các vấn đề quốc tế khi chưa có chính phủ mới.
martin-schulz-angela-merkel-1.jpg
Thủ tướng Angela Merkel và Chủ tịch SPD Martin Schulz đạt được thỏa thuận

Việc liên kết trở lại với SPD là sự "đặt cược" tốt nhất đối với Thủ tướng Merkel để thành lập một chính phủ ổn định sau khi các nỗ lực thành lập liên minh với 2 đảng nhỏ hơn là Đảng Xanh và là đảng Dân chủ Tự do (FDP) thất bại. SPD từng là một phần của "đại liên minh" với các đảng bảo thủ của bà Merkel lãnh đạo đất nước trong 4 năm qua. Sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9 năm ngoái, với kết quả tồi tệ nhất kể từ năm 1993, SPD đã tuyên bố trở thành phe đối lập. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo SPD đã thay đổi quyết định sau khi có sự can thiệp của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.

martin-schulz-angela-merkel-3.jpg
Bà Angela Merkel mong muốn xây dựng một chính phủ ổn định

 

Trong cuộc bầu cử tháng 9, CDU giành 33% tỉ lệ ủng hộ giúp đảng này tiếp tục nắm số ghế nhiều nhất ở Quốc hội Đức (Bundestag). Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel phải tìm cách liên kết với đảng khác để đạt tỷ lệ ủng hộ trên 50% để thành lập chính phủ mới. Do đó, các cuộc đàm phán lần này thành công đã giúp nước Đức tránh được nguy cơ tổ chức bầu cử lại hoặc lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai sẽ phải nằm dưới sự điều hành của một chính phủ thiểu số do bà Merkel lãnh đạo.
 
Một chính phủ mới có thể tuyên thệ vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tới. Thủ tướng Merkel hướng tới "một chính phủ ổn định" và nhấn mạnh tầm quan trọng của "một nước Đức hành động" trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang dâng cao tại nhiều quốc gia châu Âu. Đức cùng Pháp phải thể hiện "vai trò trung tâm" trong công cuộc cải cách và thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng Merkel nêu rõ một chính phủ ổn định là cơ sở tốt nhất để thể hiện vị thế của Đức trên trường quốc tế.  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm