pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thủ tướng: Giải quyết vấn đề nhà ở để công nhân "an cư lạc nghiệp"
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Ngày 1/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đề ra nhiệm vụ trọng tâm phối hợp công tác năm 2023 và thời gian tới.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đồng chủ trì Hội nghị. Cùng dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Báo cáo và các ý kiến tại hội nghị thống nhất đánh giá, năm 2022, Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, thiết thực, đóng góp vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc tổ chức thực hiện của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động, nhất là triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết chuyên đề có liên quan, góp phần đưa hoạt động công đoàn ngày càng thực chất, hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân.
Thủ tướng đánh giá, năm 2022, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên tất cả các mặt.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế trên đà phục hồi, các cân đối lớn được bảo đảm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, lao động, việc làm đạt nhiều kết quả quan trọng. Đời sống nhân dân được cải thiện. An sinh xã hội được bảo đảm.
Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. Độc lập, chủ quyền được giữ vững. Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt được nhiều kết quả tích cực. Uy tín, vị thế của nước ta tiếp tục được nâng cao.
Đặc biệt, đánh giá về Tết Quý Mão 2023, Ban Bí thư đã khẳng định: Chúng ta đã tổ chức Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Nhìn chung mọi người, mọi nhà đều có Tết.
Thủ tướng nhấn mạnh, đến nay, đã hỗ trợ trên 68,43 triệu lượt người lao động và trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỷ đồng. Chính sách xã hội dịp Tết được thực hiện "đúng, đủ, kịp thời", các địa phương trong cả nước đã dành khoảng 9.500 tỷ đồng hỗ trợ trên 25 triệu lượt người. Đã có 6,5 triệu lượt đoàn viên công đoàn, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức công đoàn với tổng nguồn kinh phí là trên 4.581 tỷ đồng…
Trong thành công chung của đất nước, có sự đóng góp tích cực, quan trọng, hiệu quả từ công tác phối hợp của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao và cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ, đồng hành có hiệu quả của Công đoàn Việt Nam, đoàn viên và người lao động cả nước thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành công chung của cả nước.
Trong tổng số 10 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, có 7 nhiệm vụ đang tiếp tục phối hợp thực hiện.
Cụ thể, thứ nhất, về quyền lợi, chính sách an sinh xã hội của người lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan tham mưu.
Thứ hai, về cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở công nhân, đất đai, quy hoạch sử dụng đất công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, Bộ Xây dựng đang chủ trì nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở.
Thứ ba, về bố trí nguồn lực đầu tư công trung hạn trong phát triển nhà ở xã hội: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai nhiệm vụ được giao; ngày 1/8/2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.
Thứ tư, về phục hồi thị trường lao động cho các khu công nghiệp, khu chế suất công nghệ cao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Thứ năm, về quản lý, sử dụng tại Dự án thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn, tuy nhiên, cần phải rà soát toàn bộ quy trình, thủ tục, các văn bản đã ban hành liên quan đến việc tổ chức, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng.
Thứ sáu, về bổ sung áp dụng chính sách giáo dục mầm non cho khu chế xuất, khu kinh tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tổng kết, đánh giá triển khai các quy định liên quan.
Thứ bảy, về sửa đổi Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai.
Bên cạnh đó, có 3 nhiệm vụ chưa được triển khai trên thực tế, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục khẩn trương triển khai: Về chính sách tín dụng cho người lao động nghèo vay vốn thông qua cơ chế cấp bù lãi suất; về thể chế hóa chủ trương của Đảng thành pháp luật tạo hành lang pháp lý bảo vệ người lao động; về công bố "mức sống tối thiểu của người lao động".
Theo Thủ tướng, thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Với tổ chức công đoàn thị trường lao động và quan hệ lao động với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ rất mới. Số lượng đoàn viên, người lao động ngoài khu vực nhà nước tiếp tục tăng nhanh, chiếm tỉ lệ lớn.
Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu quán triệt chủ đề điều hành "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả" đã được Chính phủ xác định tại Nghị quyết 01.
Định hướng phối hợp công tác thời gian tới, cơ bản thống nhất với đề xuất của Tổng Liên đoàn và phát biểu của các đại biểu, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung.
Theo đó, các cơ quan, bộ, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đồng bộ các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Tổng Liên đoàn Lao động tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng Chính phủ, chung sức, đồng lòng triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư, các nhiệm vụ tại Nghị quyết 01 của Chính phủ, Chỉ thị 03 của Thủ tướng, các nội dung đã được thống nhất giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn.
Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt. Chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội cho người lao động. Thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần nâng cao đời sống của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.
Tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 17/01/2022 của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028. Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, xứng đáng là thủ lĩnh đại diện cho người lao động, để qua mỗi cán bộ công đoàn sẽ xây dựng, bồi đắp niềm tin yêu của đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn.
Tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức công đoàn, là cầu nối quan trọng của Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân và người lao động. Tuyên truyền, phổ biến, đưa các nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với đoàn viên, người lao động; đồng thời chuyển tải, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của người lao động, doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Quan tâm công tác phát triển đảng viên trong công nhân, người lao động, đặc biệt là tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Tổng Liên đoàn Lao động tiếp tục phối hợp với bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động (tại Công điện số 1170/CĐ-TTg); làm tốt công tác giám sát việc thực hiện chế độ lương, thưởng đối với người lao động của người sử dụng lao động.
Đề nghị các ban, bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp với Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động, nhất là vấn đề ổn định việc làm, nâng cao thu nhập; vấn đề nhà ở, trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí; vấn đề chậm đóng bảo hiểm xã hội và rút bảo hiểm xã hội một lần; việc tuân thủ chính sách, pháp luật của người sử dụng lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động phối hợp với các bộ, ngành liên quan (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, VCCI…) và chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt cho người lao động, trước hết là kỹ năng nghề, kiến thức pháp luật, ý thức chính trị, bản lĩnh giai cấp, tác phong công nghiệp, tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó với doanh nghiệp.
"Công đoàn phải là một kênh tham gia đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho đất nước. Đây cũng chính là giải pháp quan trọng xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị", Thủ tướng nhấn mạnh.
Các cấp công đoàn tiếp tục phát động, triển khai các phong trào thi đua vượt khó, "Lao động giỏi, Lao động sáng tạo", "Năng suất cao, chất lượng tốt", "Tham mưu giỏi, phục vụ tốt"; thực hiện Chương trình "Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước"; vận động đoàn viên, người lao động tích cực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Thủ tướng lưu ý, nguồn lực, thời gian có hạn, yêu cầu thì cao, phải chọn công việc trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, thực chất, mang lại hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được, đáp ứng những nhu cầu thiết thực của công nhân, người lao động. Năm 2023, Thủ tướng đề nghị tập trung, ưu tiên công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nguồn lực cho 3 công việc trọng tâm, đột phá.
Thứ nhất là tăng cường tạo công ăn, việc làm cho công nhân, người lao động thông qua đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn liên quan các thị trường, hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn; đồng thời nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng cho công nhân đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.
Thứ hai là giải quyết vấn đề nhà ở để công nhân "an cư lạc nghiệp". Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp thực hiện, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo.
Thứ ba là từng bước giải quyết, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe người lao động. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp thực hiện, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo trực tiếp.
Thủ tướng cũng cho ý kiến, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan về các kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động. Trong đó, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn phối hợp, tham gia chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi; chủ động đánh giá những vướng mắc để đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính hiệu quả, khả thi trong thực hiện quy định này, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Đồng thời, các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc chồng chéo, khoảng trống của pháp luật trong thời gian chưa sửa các Luật liên quan.