pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thủ tướng lưu ý 11 nội dung với ngành Y trong thời gian tới
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngày 21/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế đã trải qua rất nhiều khó khăn, nhiều cung bậc cảm xúc, tâm tư, tâm trạng rất khác nhau. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn thấu hiểu, chia sẻ và tin tưởng vào nỗ lực, quyết tâm vượt khó, trách nhiệm và có những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành Y.
Hơn 2 năm qua, chúng ta phải bước vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 - cuộc chiến không tiếng súng nhưng đầy cam go, vô vàn thách thức, chưa từng có tiền lệ. Một lần nữa, hàng trăm nghìn y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế không quản gian lao, ngày đêm bám trụ trên tuyến đầu, chiến đấu với dịch bệnh; những "chiến sĩ áo trắng" tạm gác việc nhà, việc mình, sẵn sàng đối diện với hiểm nguy, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Chúng ta không bao giờ quên được những ngày tháng cam go, vất vả, những hy sinh, mất mát trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19. Đảng, Nhà nước và Nhân dân không bao giờ quên những vất vả, hy sinh và sự cống hiến thầm lặng, hết mình, không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong phòng chống dịch, được cả xã hội trân trọng.
Chúng ta tự hào và tin tưởng vào đội ngũ 500 nghìn cán bộ y tế của nước ta có kiến thức rộng, chuyên môn sâu, tay nghề tốt, có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao, bản lĩnh vững vàng. Trình độ trong một số lĩnh vực y học của Việt Nam ngang tầm với trình độ của thế giới. Tất cả đều trăn trở là làm sao để người dân có cuộc sống khỏe mạnh và tuổi thọ ngày càng được nâng lên; mong muốn hệ thống y tế phát triển toàn diện, đồng bộ, hiện đại, công bằng, hiệu quả, chất lượng, bền vững, hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vẫn còn đâu đó có những bức xúc về y đức của thầy thuốc, về sự tắc trách, thiếu tinh thần trách nhiệm của cơ sở y tế nào đó, nhưng đó chỉ là số ít, cá biệt", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, ngành Y tế vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, bất cập:
- Hệ thống thể chế, chính sách trong lĩnh vực y tế còn bất cập, nhiều quy định chưa rõ ràng, rườm rà về thủ tục hành chính, chưa bao quát được hết các khía cạnh (như trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư…).
- Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối, tuyến Trung ương vẫn là vấn đề nhức nhối. Người dân vẫn chưa thật sự hài lòng với chất lượng và sự phục vụ của ngành y, nhất là y tế công lập.
- Công nghiệp dược, thiết bị y tế chưa đáp ứng yêu cầu, tính chủ động chưa cao, còn phụ thuộc vào nước ngoài. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
- Thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn.
- Tình trạng thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm.
- Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tiêu cực, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi gây dư luận bức xúc trong xã hội. Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đủ chi phí thực tế.
- Tài chính y tế còn nhiều bất cập (liên quan đến thực hiện tự chủ bệnh viện, giá dịch vụ, tính đúng tính đủ, mệnh giá và thanh toán bảo hiểm y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, hợp tác công tư...).
- Giải ngân đầu tư công trong lĩnh vực y tế còn chậm (tính đến 30/6/2022, vốn chi thường xuyên mới giải ngân được 32%, vốn đầu tư công trung hạn mới giải ngân được 2,5% kế hoạch vốn giao năm 2022).
Về một số nhiệm vụ, giải pháp trong tâm thời gian tới, Thủ tướng cơ bản nhất trí với Báo cáo và nhiều ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp; ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lưu ý thêm một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát tình hình dịch COVID-19; triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19 và các nội dung về y tế trong chương trình phục hồi và phát triển theo chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Nâng cao nhận thức về yêu cầu tiêm vaccine, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả; đây là vấn đề tôi đã nói nhiều lần và hôm nay tôi tiếp tục nói một lần nữa. Tiếp tục triển khai hiệu quả 03 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm 2K+ vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.
Thứ hai, Bộ Y tế, trực tiếp là đồng chí Quyền Bộ trưởng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ Bộ Y tế và tổ chức đảng toàn ngành Y tế thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên. Đẩy mạnh học tập tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
Tiếp tục quan tâm kiện toàn lãnh đạo Bộ và lãnh đạo y tế các cấp. Khuyến khích, bảo vệ và phát huy vai trò của những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh". Các đồng chí lãnh đạo Bộ phải thực sự là những tấm gương sáng về mọi mặt, từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ, thầy thuốc thật sự bản lĩnh, vững vàng về chính trị, tinh thông về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, hiệu quả trong công tác.
Thứ ba, khẩn trương rà soát, nghiên cứu, kịp thời hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế cho cả trước mắt và lâu dài; ưu tiên đầu tư nguồn lực, thời gian nhiều hơn nữa cho hoạt động này. Trước mắt, tập trung sơ kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW khóa XII vào cuối năm 2022.
Bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh mà cơ chế, chính sách chưa đề cập hoặc đã có nhưng chưa theo kịp thực tiễn để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Phải mạnh dạn làm, cần thì thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Tinh thần là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp dưới và các cơ sở y tế, đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Bộ Y tế tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Nghiên cứu nhanh, từng bước giao một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cho địa phương quản lý.
Thứ tư, quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế.
- Tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời quan điểm "Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt" như Trung ương, Bộ Chính trị đã chỉ đạo. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ ngành y tế, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc; các chính sách ưu đãi đặc thù ngành; các chính sách hỗ trợ học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; chính sách về công nhận liệt sỹ khi hy sinh và có biện pháp phù hợp, hiệu quả để bảo vệ nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ.
- Các bộ, ngành, trước hết là Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chú trọng chỉ đạo việc sơ kết, tổng kết, đánh giá công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ai có thành tích, hiệu quả tốt, mang lại sức khỏe, hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân thì chúng ta phải khen thưởng, ai vi phạm thì phải xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Thứ năm, quan tâm phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng kết hợp ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ. Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện. Bộ Y tế cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát và chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế đầu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cán bộ thực thi công chức công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu, ảnh hưởng đến sức khỏe Nhân dân. Các địa phương phải chỉ ra các vướng mắc cơ chế qua thực hiện trong thực tiễn, thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý.
Thứ sáu, khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công - tư, phát triển y tế tư nhân; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức.
Sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tiếp tục thực hiện lộ trình về tỷ lệ bao phủ BHYT gắn với giảm chi tiền túi của người dân (nhiều năm qua, chỉ số chi tiền túi (OOP) cho y tế ở nước ta vẫn còn cao, theo số liệu báo cáo là trên 40%).
Thứ bảy, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước. Tăng cường phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch và chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế (khám chữa bệnh từ xa, thực hiện các thủ tục trên môi trường mạng, kết nối cơ sở cung ứng thuốc, đơn thuốc điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, làm sạch dữ liệu tiêm chủng…). Cải cách hành chính, chuyển đổi số y tế phải thực chất, hiệu quả, tránh "thùng rỗng kêu to", nếu thực chất, hiệu quả thì Nhân dân sẽ cảm nhận được hết, cảm nhận được ngay vì thủ tục y tế liên quan tới mọi người.
Thứ tám, trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nòng cốt là ngành Y tế nhưng đây cũng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Các bộ, ngành, cơ quan cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trước mắt là xử lý các vấn đề cấp bách như mua sắm, đấu thầu, đầu tư, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên ngành Y tế…; đồng thời phối hợp tham gia xây dựng thể chế, chính sách y tế.
Thứ chín, đổi mới và nâng cao hiệu quả thông tin truyền thông liên quan tới bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân. Chủ động tuyên truyền theo tinh thần lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; khẳng định sự nỗ lực, thành quả rất cơ bản của ngành Y, của đội ngũ cán bộ y tế, củng cố hình ảnh "thầy thuốc như mẹ hiền". Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tăng cường chủ động, kịp thời cung cấp thông tin, tuyên truyền, nhất là tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch.
Thứ mười, tận dụng lợi thế của nước ta về dược liệu, tập trung nghiên cứu phát triển công nghiệp dược, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thuốc, vaccine trong nước.
Mười một, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực, tham khảo các kinh nghiệm quản lý, nhất là chuyển đổi số, phát triển công nghiệp dược…
Nhiều kiến nghị tại hội nghị xác đáng, xuất phát từ thực tiễn và hết sức trách nhiệm, đề nghị Bộ Y tế tổng hợp, phân loại, nghiên cứu, khẩn trương giải quyết và đề xuất các cơ quan giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ngành Y tế đã Đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2022: Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng là 19% (chỉ tiêu là 20,4%); tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đạt 70%; tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ làm việc là 94%; số bác sĩ trên 1 vạn dân đạt 10 bác sỹ (chỉ tiêu là 9,4/1 vạn); số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt khoảng 30,5 giường bệnh (chỉ tiêu là 29,5/1 vạn).
Đảm bảo khám, chữa bệnh thường quy; tập trung theo dõi, quản lý sức khỏe người dân, tăng cường khám chữa bệnh từ xa, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Có nhiều giải pháp theo dõi, ứng phó kịp thời với các dịch bệnh theo mùa (sốt xuất huyết, chân tay miệng), các dịch bệnh mới phát sinh (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính ở trẻ em...). Tình hình ngộ độc thực phẩm có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo.