pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thủ tướng nêu 7 nhiệm vụ để phát triển thị trường chứng khoán
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: Tú Uyên)
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, buổi lễ được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của đại dịch Covid - 19 nhằm phấn đấu đạt mục tiêu kép về khống chế dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế; đồng thời tổ chức tốt đại hội Đảng các cấp để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.
Sau nhiều năm dày công chuẩn bị, Thị trường Chứng khoán Việt Nam với một tổ chức cụ thể, đầu tiên là Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã ra đời vào đúng ngày này cách đây 20 năm. Ngay chính trên địa điểm này của Thành phố mang tên Bác, một thành phố đang phát triển năng động, sáng tạo và được định hướng phát triển thành trung tâm kinh tế, tài chính, tiền tệ của cả nước.
Đất nước đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đan xen. Đặc biệt là những tác động của đại dịch Covid - 19 và những diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới và khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương tập trung nỗ lực để thực hiện tốt 7 nhiệm vụ sau:
Một là, cần có tư duy đột phá và hành động quyết liệt trong việc sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho việc phát triển đồng bộ thị trường tài chính - tiền tệ nói chung và Thị trường chứng khoán nói riêng.
Ngay trong năm nay cần phải ban hành đồng bộ hệ thống Nghị định và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, tiến tới nghiên cứu sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng và các Luật, Nghị định liên quan khác trong những năm tiếp theo.
Hệ thống văn bản pháp quy sắp tới phải thực sự theo tinh thần đổi mới có tầm nhìn dài hạn, tạo dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi và cơ hội bình đẳng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Hai là, các Bộ, ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để bảo đảm sự phát triển nhịp nhàng, đồng bộ các thị trường, trong đó có Thị trường chứng khoán, Thị trường tiền tệ và Thị trường bảo hiểm; nhằm hướng tới một cơ cấu các thị trường hoàn chỉnh để phát huy sức mạnh tổng hợp của các thị trường trong ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ba là, cần đẩy mạnh các giải pháp nhằm phát triển nhanh quy mô và chất lượng của Thị trường chứng khoán như: Đẩy nhanh tốc độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và gắn cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch trên Thị trường chứng khoán; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, tăng cường tính công khai minh bạch trên Thị trường chứng khoán thông qua việc áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế, cải tiến chất lượng dịch vụ kiểm toán và khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các thông lệ tốt nhất về quản trị doanh nghiệp.
Bốn là, cần sớm hoàn thiện cơ cấu của Thị trường chứng khoán theo hướng nhanh chóng chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật để tách hoạt động giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên một hệ thống chuyên biệt, gấp rút nghiên cứu hoàn chỉnh và đưa vào giao dịch thêm các sản phẩm phái sinh khác để phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư.
Năm là, tăng cường năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi để đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia Thị trường chứng khoán.
Cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước với các Bộ, ngành liên quan cần được củng cố để tăng cường năng lực dự báo tình hình và áp dụng các giải pháp ứng phó với các biến động bất thường nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho Thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính - tiền tệ nói chung.
Sáu là, tập trung đổi mới một cách cơ bản hệ thống công nghệ thông tin và ứng dụng các thành quả của cách mạng công nghệ 4.0 vào phục vụ cho giao dịch, thanh toán, giám sát, và các dịch vụ tài chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; sớm nghiên cứu để sớm thực hiện số hoá tài sản giao dịch trên Thị trường chứng khoán.
Bảy là, chủ động hội nhập Thị trường chứng khoán vào Thị trường tài chính quốc tế để tiệm cận với các thông lệ và chuẩn mực tốt nhất, phấn đấu sớm nâng hạng Thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo Lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, phấn đấu đưa Thị trường chứng khoán Việt Nam thành điểm đến của các tổ chức tài chính quốc tế lớn.