Nhắc lại việc ngay từ khi nhậm chức đã chỉ đạo về việc xây dựng nhà vệ sinh đảm bảo chất lượng cho học sinh tại các trường học, Thủ tướng yêu cầu: “Khi nhận chức Thủ tướng, tôi đã lưu ý bảo đảm nhà vệ sinh tại các trường học. Nay yêu cầu ngành giáo dục chỉ đạo rà soát xem có tiến bộ gì, bởi đây là một chủ trương liên quan đến dân, đến học sinh”.
Ông yêu cầu bộ GD&ĐT phải làm rõ việc cải thiện, thực hiện chủ trương của Chính phủ về vấn đề bất cập này hiện đến đâu. Vì đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe của học sinh nên Bộ GD&ĐT phải kiểm tra kỹ lưỡng.
“Người ta vào bệnh viện sợ nhất là nhà vệ sinh. Có phải tất cả các bệnh viện và ngành y tế phải tập trung làm việc này không? Tất cả các trường học phải làm nhà vệ sinh cho học sinh? Phải làm cụ thể như vậy bởi liên quan đến quyền lợi của người dân. Còn chúng ta nói trên trời dưới đất mà không nói cụ thể việc này làm sao có sự thúc đẩy phát triển được?” – ông nhấn mạnh.
Vấn đề nhà vệ sinh trường học lâu nay luôn là nỗi ám ảnh của học sinh và phụ huynh tại các trường phổ thông công lập. Nhiều trường tại Hà Nội có cả nghìn học sinh nhưng chỉ có vài nhà vệ sinh. Nhiều nơi có nhà vệ sinh nhưng không dùng được hoặc bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện có khoảng 2.700 nhà vệ sinh trên tổng số 2.622 trường học ở các cấp chưa đạt chuẩn. Nhiều nhà vệ sinh hư hỏng, các hạng mục như trần, tường, đường ống nước, bốc mùi…
Sở này hiện đã có rà soát, đánh giá hiện trạng sơ bộ, lập đề án báo cáo UBND thành phố đề xuất phương án cải tạo 2.700 nhà vệ sinh trường học các cấp, trị giá khoảng 395 tỷ đồng.
Trước thực trạng này, tùy điều kiện và nhu cầu cải tạo, sửa chữa số phòng vệ sinh chưa đạt chuẩn của mỗi trường, Sở sẽ tham mưu để có sự đầu tư của thành phố và huy động xã hội hóa cho các trường cải tạo các nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn. Dự kiến, từ năm 2018 - 2020, Sở sẽ đề xuất thành phố tiếp tục nâng cấp các nhà vệ sinh xuống cấp hoặc những khu vệ sinh còn thiếu.