pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thủ tướng: Phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu
Tại phiên chất vấn, đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định - đã đặt câu hỏi về phân cấp, phân quyền. "Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ muốn nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính phải gắn với phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cấp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định còn chậm, việc phân cấp, phân quyền chưa tính đến đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và khả năng của từng cấp từng ngành, chưa phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương" - nữ đại biểu nêu thực trạng.
Từ đó, bà Hoa đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp đẩy mạnh hơn nữa phân cấp phân quyền giữa Chính phủ với các bộ ngành, địa phương.
Trả lời câu hỏi về vấn đề phân cấp phân quyền, Thủ tướng cho hay, hiện Chính phủ đang trình Quốc hội ban hành 14 luật, sửa đổi thay thế các nghị định. Tuy nhiên, cái vướng của phân cấp phân quyền, "nút thắt" lại đang tập trung chủ yếu ở trung ương.
Về giải pháp, Thủ tướng cho rằng cần rà soát lại các quy định của pháp luật; rà soát lại thể chế; rà soát lại chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan… để tính toán lại việc phân cấp phân quyền; hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn; tăng cường giám sát kiểm tra.
Thủ tướng cho rằng, phân cấp phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp để đảm bảo phân cấp phân quyền nhưng có nguồn lực và năng lực thực thi.
Vụ Ngân hàng SCB: Tích cực xử lý, không để thất thoát tài sản
Đề cập đến việc xử lý các dự án tồn đọng, vướng mắc kéo dài nhiều năm ở Trung ương và các địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng - đề nghị Thủ tướng cho biết nguyên nhân, giải pháp về cơ chế và tiến độ xử lý trong thời gian tới?
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương xử lý 12 dự án tồn đọng kéo dài.
Một trong những dự án tồn đọng được tháo gỡ là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2...
Với 4 ngân hàng, hiện đã chuyển giao xong 2 ngân hàng, còn lại 2 ngân hàng đang làm. Với Ngân hàng SCB, Thủ tướng cho hay tinh thần chỉ đạo là làm sao an toàn hệ thống, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân liên quan tới xử lý ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tài sản không để thất thoát, có lộ trình thực hiện cho phù hợp.
"Quản lý đời thực thế nào phải quản lý không gian mạng như thế"
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan vấn đề chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là các xu thế mới, trong quá trình triển khai có nhiều khó khăn vì chưa có kinh nghiệm, thể chế pháp luật chưa hoàn chỉnh, chưa kịp cập nhật, trước mắt là cần hoàn thiện thể chế.
Về thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và hành chính. "Muốn vậy phải xây dựng thể chế rõ ràng", Thủ tướng tái khẳng định.
Liên quan xây dựng thể chế trong quản lý các hoạt động trên không gian mạng, Thủ tướng nhận định không gian thực thế nào thì không gian ảo như vậy, quản lý đời thực thế nào phải quản lý không gian mạng như thế.
Thủ tướng dẫn lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là phải bỏ tư duy không quản được thì cấm. Theo Thủ tướng, xây dựng thể chế phải vừa phục vụ quản lý vừa mở ra không gian sáng tạo, để khuyến khích các chủ thể. "Đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng khẳng định, việc quản lý thu, chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, hiệu quả hơn, tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn lực tăng cho chi phát triển con người, bảo đảm an sinh xã hội và chi đầu tư phát triển. Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh.
Giải ngân đầu tư công còn chậm
Trình bày báo cáo kinh tế - xã hội tại phiên chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết kết quả đạt được trong 10 tháng tốt hơn cùng kỳ 2023 trên hầu hết các lĩnh vực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm dần theo từng tháng, bình quân 10 tháng tăng 3,78%.
Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 97,2% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,8%, xuất siêu 23,3 tỉ USD.
Mục tiêu GDP quý 4 đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%; qua đó đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2024.
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như giải ngân còn chậm. 10 tháng giải ngân đạt 52,29% (cùng kỳ năm 2023 là 56,74%), giải ngân vốn ODA chỉ đạt 27,88%.