Thúc đẩy bình đẳng giới theo hướng bền vững

01/07/2017 - 06:16
Tại Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 5 tổ chức tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hà Nội) ngày 30/6, các bên đã cùng trao đổi, đề xuất phương án thúc đẩy và mở rộng bình đẳng giới theo hướng bền vững.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa nhấn mạnh, trong 5 năm qua, “Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc” đã được Hội LHPNVN và Viện Nghiên cứu phát triển phụ nữ Hàn Quốc (KWDI) phối hợp, luân phiên tổ chức ở Việt Nam và Hàn Quốc. Đây là diễn đàn để phụ nữ hai nước cùng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, lồng ghép giới trong chính sách, pháp luật và trong hỗ trợ sự phát triển của phụ nữ. Qua đó, Việt Nam sẽ học hỏi, tham khảo để xây dựng một bộ chỉ số bình đẳng giới".
dien-dan-phu-nu-viet-nam-han-quoc-1.jpg
Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa phát biểu

Phó Chủ tịch Hội Bùi Thị Hòa đánh giá cao việc hai bên Việt- Hàn đã thống nhất được nhận thức chung về lồng ghép giới trong tất cả các lĩnh vực hành chính xã hội, đặc biệt là lồng ghép giới trong thực hiện ngân sách, hướng tới xây dựng thành phố thân thiện, an toàn với phụ nữ, công bằng với mọi người, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển, sự tham gia của tất cả các cộng đồng. Bên cạnh đó, cần có sự cam kết của chính quyền các cấp trong việc đảm bảo môi trường sống an toàn, lành mạnh, bình đẳng và phát triển để tất cả mọi người đều muốn sống, muốn đến và tận hưởng cuộc sống ở đó.
“Chúng ta cần bàn đến những việc đã làm, những vấn đề rất nhỏ đối với phụ nữ như tổ vay vốn cho phụ nữ, hướng dẫn cho phụ nữ làm việc theo hiến pháp, pháp luật... Khi phụ nữ khó khăn, chúng ta là người chìa bàn tay ra nâng đỡ, giúp đỡ, hỗ trợ...”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa phát biểu.

dien-dan-phu-nu-viet-nam-han-quoc-2a.JPG
Bà Lee Myung Sun - Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển phụ nữ Hàn Quốc

Còn theo bà Lee Myung Sun, Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển phụ nữ Hàn Quốc, diễn đàn chia sẻ những kinh nghiệm, điển hình về chính sách bình đẳng giới của Hàn Quốc như ngân sách giới, xây dựng thành phố thân thiện với phụ nữ, đồng thời là Diễn đàn để đại diện các bên cùng trao đổi, đề xuất phương án thúc đẩy và mở rộng bình đẳng giới theo hướng bền vững. Đây là dịp để tiếp tục kết nối, mở ra nhiều cơ hội giao lưu, hợp tác giữa các cơ quan của chính phủ, quốc hội, chính quyền địa phương và các tổ chức, phụ nữ hai nước vì mục tiêu phát triển của phụ nữ nói riêng và sự phát triển bền vững của hai quốc gia, hai dân tộc nói chung. 

Tại phiên họp “Đánh giá tác động giới và ngân sách giới”, các đại biểu đều nhấn mạnh rằng chính sách kinh tế, ngân sách nhà nước, phân bổ nguồn lực tài chính nhà nước cần tính đến yếu tố giới trong mọi công việc, quy trình.
Theo PGS.TS . Đặng Văn Thanh, cần lồng ghép vấn đề giới ngay trong quá trình phân bổ ngân sách và ngay trong các họat động huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, trong xây dựng và thực thi pháp luật.
dien-dan-phu-nu-viet-nam-han-quoc-3.JPG
Bà Han Mi Young - Chủ tịch Hiệp hội các nhà doanh nhân và sáng tạo nữ thế giới. 
Còn theo bà Han Mi Young - Chủ tịch Hiệp hội các nhà doanh nhân và sáng tạo nữ thế giới - Hàn Quốc đề ra chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức để phụ nữ phát huy ý tưởng sáng tạo, biến nó thành tài sản trí tuệ. Ngoài cục bản quyền sáng chế, các viện nghiên cứu phụ nữ cũng đóng vai trò hỗ trợ sự sáng tạo của phụ nữ. Với khoản ngân sách nhỏ, họ có thể tạo công ăn việc làm cho mình. Sự tăng trưởng của giới nữ tạo xu thế phát triển bền vững ở Hàn Quốc.
 
Bàn về chính sách hỗ trợ phụ nữ làm việc, đại biểu Hàn Quốc Sun-Joo Cho cho biết, Hàn Quốc quan tâm đến chế độ nghỉ trước và sau khi sinh (có lương); chế độ nghỉ phép khi sẩy thai, thai lưu vẫn có lương; chế độ nghỉ phép cho chồng khi vợ sinh con; phương án xây dựng nhà trẻ tại chỗ làm; tiền hỗ trợ tuyển dụng khi thuê người đang nuôi trẻ nhỏ; tiền hỗ trợ người thay thế khi nuôi con nhỏ; hỗ trợ người trông trẻ...
dien-dan-phu-nu-viet-nam-han-quoc-4.JPG
Các đại biểu tham dự diễn đàn

Tại phiên họp “Xây dựng thành phố thân thiện với phụ nữ”, các đại biểu đều đồng tình rằng xã hội ngày càng phát triển thì việc tiến tới xây dựng thành phố thân thiện, đặc biệt là thân thiện với phụ nữ là một tất yếu trong quá trình thực hiện bình đẳng giới mà các nước đang hướng đến, trong đó có cả Hàn quốc và Việt Nam.
Đại biểu Lee Seon Min chia sẻ rằng chính quyền các thành phố Hàn Quốc chú trọng tăng cường trách nhiệm xã hội để bảo đảm việc làm bền vững cho phụ nữ, thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp; tạo văn hóa cân bằng giữa công việc và gia đình, tạo môi trường làm việc thân thiện với phụ nữ; xây dựng môi trường địa phương an toàn, không nguy hiểm... Hàn Quốc có những dự án hướng đến phụ nữ như Dự án “Một Seoul thân thiện với phụ nữ” được thực hiện tại quận Gwangjin hay Dự án xây dựng công viên thân thiện với phụ nữ; thành phố Bucheon với dự án “Hỗ trợ gia đình sau giờ học”, dự án “Bàn tay mẹ hỗ trợ bà mẹ đi làm”; thành phố Seongiu với dự án “Doanh nghiệp thân thiện với phụ nữ”, môi trường đi lại an toàn với “ 500 bước chân thong thả của phụ nữ”....

dien-dan-phu-nu-viet-nam-han-quoc-5.JPG
Từ trái sang phải: Bà Lee Myung Sun, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa và bà Lê Thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Ở Việt Nam, nhiều chính sách của thành phố Hồ Chí Minh quan tâm, hướng về phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ được bình đẳng mọi mặt với nam giới. Cơ sở vật chất, hạ tầng của thành phố đã có những thay đổi mang lại sự an toàn, thoải mái cho phụ nữ. Nhiều trung tâm thương mại có vốn đầu tư nước ngoài có những nơi dành riêng cho phụ nữ trong việc chăm sóc con (cho bé bú, thay tã, hút sữa…) hay các quầy tính tiền cũng có sự ưu tiên cho phụ nữ mang thai…
Còn thành phố Đà Nẵng đang được xem là một trong những thành phố “đáng sống” của cả nước. Đảng bộ và Chính quyền Đà Nẵng đã làm rất nhiều việc chăm lo đời sống cho nhân dân và du khách, trong đó có phụ nữ và công tác phụ nữ, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Chính quyền thân thiện với người dân, với doanh nghiệp và đặc biệt là đối với phụ nữ. UBND thành phố Đà Nẵng đã có quyết định thành lập “Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển” với số vốn 33 tỷ đồng. Đà Nẵng có 910 địa chỉ tin cậy và tổ phản ứng nhanh phòng chống bạo lực gia đình, 47 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình;  1.300 tổ hòa giải ở cơ sở làm nhiệm vụ hòa giải, phòng chống bạo lực gia đình, đặc biệt là sự ra đời CLB “Nam giới tiên phong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”; CLB “Phụ huynh học sinh phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”...

dien-dan-phu-nu-viet-nam-han-quoc-6.JPG
Một tiết mục múa Hàn Quốc

Với mong muốn nâng cao sự hiểu biết về văn hóa mỗi nước và đánh dấu chặng đường hợp tác 25 năm giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Hội LHPN Việt Nam cùng Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội, Học viện Phụ nữ và khoa tiếng Hàn trường Đại học Thăng Long cũng đã tổ chức chương trình Giao lưu văn hóa Việt- Hàn với nhiều hoạt động đa dạng như biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm ẩm thực và trang phục truyền thống… Văn hóa chính là cầu nối của người dân với nhau, là cơ sở cho sự thấu hiểu, cảm thông lẫn nhau và cũng là nền tảng để mỗi người dễ dàng thích ứng hơn với môi trường đa văn hóa và hội nhập hiện nay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm